Hôm nay, điều cả thế giới đang thấpthỏm mong ngóng chờ đợi đã có. Đức Giáo Hoàng Francis I đã chính thức xuất hiện trước dân thành Rôma để chào thăm và ban phép lành cho dân Rôma cũng như toàn thế giới. Một nhân vật nhỏ bé trong một đất nước nhỏ bé nhất thế giới nhưng lại là người có tầm ảnh hưởng lớn nhất. Nếu như người ta trông đợi vị tổng thống Mỹ vì sẽ ảnh hưởng rất nhiều trên nền kinh tế thế giới, thì với Vatican, người ta mong ngóng vị lãnh đạo tinh thần đại diện cho Đấng Tối cao. Trong một lối nhìn toàn diện về sức khỏe thì con người ta cần có sự quân bình về thể xác tình thần (theo định nghĩa sức khỏe), nhưng chưa đủ, còn cả tâm linh nữa điều con người dù muốn dù không chẳng thể chối từ.
Bài viết sau đây của bác sĩ Mẫn nói lên phần nào điều đó những còn thiếu một lối nhìn về mặt tâm linh. Ước mong bài viết này sẽ được đọc lại luôn và nhà chức trách sẽ tạo điều kiện để các tổ chức, đặc biệt là các dòng tu và tôn giáo có thể đóng góp cách hữu hiệu vào công việc chăm sóc sức khỏe, theo lối nhìn của Học thuyết xã hội Công giáo, đây chính là nguyên tắc bổ trợ. Mong sao, trong thời gian mọi người đang góp ý cho việc sửa đổi hiến pháp Việt Nam này sẽ là bước tiến để con người được phục vụ tốt hơn. Hãy cầu nguyện và làm việc từ tâm cho chính bạn, cho những người thân yêu và cho cả đất nước của mình bạn nhé!
VT
**********************************************************************
Trong các văn bản pháp quy thuộc lĩnh vực y tế của Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có định nghĩa chính thức “sức khỏe là gì”. Do vậy, các hoạt động và phát triển của y tế Việt Nam, thực sự còn lúng túng, thiếu một triết lý, theo tôi, có lẽ nên bắt đầu từ định nghĩa! Nếu chúng ta mặc nhiên chấp nhận sử dụng định nghĩa của Tổ Chức Y tế Thế Giới (WHO, 1947): “Sức khỏe là sự hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần lẫn xã hội chứ không chỉ là không có bệnh tật”, thì có thể dùng nó như một triết lý để soi rọi lại sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân trong nhiều năm qua.
Cho đến giờ này, khi nói đến sức khỏe, nhiều người kể cả cán bộ y tế nghĩ ngay đến việc khám, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh, xa hơn, đó là dự phòng bệnh tật, nghiên cứu khoa học, còn yếu tố tinh thần và xã hội của sức khỏe thì hình như chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Tất cả các trường đại học y trong toàn quốc, hầu như chỉ tập trung vào lĩnh vực sức khỏe thể chất, chỉ chú tâm vào việc huấn luyện cho các sinh viên y khoa việc truy tìm, xử lý bệnh tật bằng thuốc men, tham gia dự phòng bệnh tật… do đó, các bác sĩ ra trường hầu như đi theo định hướng này. Họ rất ít được học tâm lý (chỉ một số ít tiết học), thiếu sự huấn luyện nghiêm túc về cách đối nhân xử thế với bệnh nhân, thân nhân, đồng sự, cấp trên, cấp dưới trong môi trường bệnh viện cũng như ở cộng đồng. Họ cũng chỉ được học “kinh tế chính trị” chứ không phải là “kinh tế y tế” và hiếm khi được học về các quy trình vận hành, tổ chức, quản lý bệnh viện. Họ được học về dược lý chứ không biết về giá thuốc và hầu như “mờ mịt” về luật chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, luật dược, pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân, luật khám bệnh, chữa bệnh và đặc biệt sinh viên y khoa lâu rồi chưa được học “nghĩa vụ y khoa”!Do chỉ tập trung vào sức khỏe thể chất và định hướng y tế thiếu toàn diện như trên nên thực tế hiện nay, ngành y tế Việt Nam đang hứng chịu nhiều hệ quả khó giải quyết. Đó là, nhiều bác sĩ khi ra trường họ chỉ biết đến “bệnh” mà ít chú ý đến “người bệnh”, tập trung trí tuệ để xử lý tốt bệnh tật mà quên đi những giá trị mang tính nhân văn đó là tâm lý và xã hội. Họ tự cho mình là “mẹ”, có toàn quyền ra lệnh, quyết định, la rầy “con bệnh” của mình mà quên rằng, thực sự họ chỉ là những “người bạn” của bệnh nhân. Họ nhận lương bổng, thậm chí trang thiết bị, cả chiếc ghế ngồi của họ đều được đóng góp bằng tiền thuế và các khoản khác của người dân, trong đó, có những người bệnh đang ở trước mặt của họ. Khi ra toa thuốc, họ không biết được giá của ngày công lao động tay chân là bao nhiêu, không biết được giá của một kilogram lúa gạo là bao nhiêu… nên khó khỏi “vung tay quá trớn”. Nói như Bs Đỗ Hồng Ngọc, các bác sĩ chữa được cái “đau” mà không giải quyết được cái “khổ”, giải quyết được “bệnh” mà không giải quyết được “hoạn”… chữa được cho cái “xác” mà lờ đi cái “hồn” và các “mối quan hệ xã hội”, vốn dĩ không ít, là cội nguồn của bệnh tật. Ví dụ, một bệnh nhân bị stress, đến bác sĩ đo huyết áp thấy cao, được chẩn đoán bệnh tăng huyết áp, dặn dò ăn uống và được “đe nẹt” một số biến chứng, ra toa thuốc, ra về… nhiều bác sĩ cũng ít khi biết được bệnh nhân ấy đang bị stress, vừa làm ăn thua lỗ, ly dị, đang chia của, con cái bỏ học…nói chung là có nhiều yếu tố xã hội và tâm lý khác. Có thể nhiều bác sĩ cho là bệnh quá tải, không có thời gian nhiều với bệnh nhân (cũng đúng), nhưng cho dù có nhiều thời gian đi nữa thì thực sự rất ít bác sĩ quan tâm đến những chuyện “ngoài bệnh tật” kể trên (trừ các bác sĩ có kinh nghiệm sống, hoặc đã được huấn luyện “lâu lắm rồi”) vì họ thiếu được rèn luyện những kỹ năng và phương pháp chuẩn mực để tiếp cận các vấn đề tâm lý và xã hội. Chất lượng thầy thuốc là như vậy, còn các vấn đề vĩ mô khác của sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cũng bị “trục trặc” khi xa rời định nghĩa sức khỏe! Đã có nhiều cuộc họp bàn, chú trọng nhiều đến tỷ lệ “thầy thuốc/vạn dân”, “số giường bệnh/vạn dân”, hầu hết các quan chức y tế đều kêu thiếu bác sĩ, thiếu giường bệnh, quá tải… tất cả mọi vấn đề chăm sóc sức khỏe đều trút lên đầu của ngành y tế, các bộ trưởng y tế trả lời chất vấn thấy mà thương! Thực sự thì không bao giờ cho đủ số lượng bác sĩ theo nhu cầu, chứ chưa kể chất lượng bác sĩ, lại còn phải hòa nhập với khu vực, quốc tế… vì chọn lọc, đào tạo một bác sĩ phải tốn nhiều thời gian, tiền của chứ không như đào tạo một anh nông dân lái máy cày! Nhưng trên hết có lẽ vì chúng ta chỉ chú tâm nhiều đến sức khỏe thể chất, bệnh tật và thuốc men … mà quên đi hai yếu tố tinh thần và xã hội của sức khỏe. Trở lại ví dụ trên, stress của bệnh nhân có thể được giảm nhẹ hoặc “chữa khỏi” nhờ ông tổ trưởng tổ dân phố, hội phụ nữ, thầy tu, hay một ai đó có uy tín trong họ hàng, bè bạn, trong gia đình hòa giải, tránh cuộc ly dị; con cái bỏ học có thể nhờ giáo viên giúp đỡ… Stress được kiểm soát, huyết áp của bệnh nhân cũng ổn theo, biến chứng có thể không xảy ra, thì đâu cần phải có nhiều bác sĩ điều trị tăng huyết áp, đội ngũ điều trị, chăm sóc biến chứng của tăng huyết áp như tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim, suy thận mãn… Hình như, lâu rồi chúng ta chưa quan tâm đúng mức hai yếu tố tâm lý và xã hội của sức khỏe nên quên đi việc chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của mỗi người dân (tự chăm lo cho mình), của toàn xã hội (trong chăm sóc sức khỏe toàn diện) chứ không chỉ của riêng ngành y tế. Do thiếu cái nhìn toàn diện nên chúng ta đã không huy động triệt để được tất cả các nguồn lực của xã hội để phục vụ cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của người dân. Chúng ta cũng đã kêu gọi “xã hội hóa y tế”, nhưng không kêu gọi “xã hội hóa sức khỏe”, chúng ta đã quen gọi “Bộ Y tế” mà thực sự phải là “Bộ Sức khỏe” (Ministry of Health). “Danh không chính” nên “ngôn không thuận”, khó mà hiệu triệu mọi nguồn lực đi đúng một mục đích và hoạt động có hiệu quả nhất! Cũng từ nhận thức thiên lệch về sức khỏe thể chất nên việc đầu tư các nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe cũng thiếu hiệu quả. Nguồn tài chính của nhà nước đầu tư cho y tế, đa số chỉ tập trung cho việc xây dựng các bệnh viện, trung tâm chẩn đoán và điều trị, trang bị kỹ thuật càng chuyên sâu, cao cấp ở các thành phố lớn, bệnh viện tuyến tỉnh, còn lại một ít cho bệnh viện huyện, cũng nhằm để “chữa cháy” việc quá tải. Tuy nhiên, các địa chỉ trên chỉ chăm lo sức khỏe cho khoảng 10% dân Việt Nam, còn lại khoảng 90% cần được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng thông qua chăm sóc sức khỏe ban đầu (cũng là cách giảm tải bệnh viện bền vững) thì đầu tư còn rất yếu kém. Qua thực tế, các khoa quá tải ở các bệnh viện thường là khoa Nội Tim mạch, Nhi khoa, Chấn thương, Ung thư, Thần kinh… Hơn phân nửa số bệnh nhân nội trú ở Nội tim mạch là tăng huyết áp, gần 1/3 là bệnh mạch vành, có thể kiểm soát tốt ở ngoại trú; đa số bệnh nhi đến phòng khám bệnh viện là các bệnh nhiểm khuẩn, virus đường hô hấp, tiêu hóa… có thể chữa tại trạm y tế, chăm sóc tại nhà; nếu tuyên truyền tốt về an toàn giao thông, sử dụng rượu bia thì không có nhiều chấn thương do tai nạn giao thông; giảm thuốc lá, thay đổi thói quen ăn uống sinh hoạt, thì ngừa nhiều bệnh ung thư, bệnh chuyển hóa, giảm các bệnh nhập viện vì tai biến mạch não, tiểu đường… Giải quyết những vấn nạn vừa nêu không nhất thiết phải đầu tư nhiều tiền của mà cần phải chuyển hướng nhận thức đầu tư hiệu quả vào cộng đồng để giải quyết cho 90% nhu cầu xã hội trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đó là việc đầu tư vào các chương trình truyền thông, giáo dục sức khỏe, sức khỏe học đường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng khi không có thầy thuốc… Đó là việc đào tạo rất ngắn hạn nhân viên chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm nhiều đối tượng, kể cả thầy tu, sư sãi, ni cô, các sơ… các tình nguyện viên chăm sóc theo nhu cầu (không nhất thiết họ phải có nhiều kiến thức chuyên môn y tế). Đó là việc kêu gọi các thầy tu dùng chính chùa, nhà thờ làm cơ sở chăm sóc sức khỏe (sau khi được huấn luyện), là việc tăng cường chăm sóc bệnh tại nhà hơn là xây thêm bệnh viện, tăng số giường… Đó là việc kêu gọi gia đình, nhà trường, ngành giáo dục, phối hợp y tế, xã hội tham gia dạy dỗ, hỗ trợ con cái, tăng cường đào tạo kỹ năng sống của học sinh, sinh viên để giảm bớt bạo lực học đường, biết nói không với rượu bia, thuốc lá, lái xe lạng lách…và có thể chính các em vận động gia đình mình tham gia giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật… Đó là việc dạy cho các bác sĩ ở các trạm y tế khoảng 10 bệnh thường gặp ở tại cộng đồng của mình cho thật tinh tường hơn là dạy cho họ chương trình chuyên khoa cấp I để rồi họ không sử dụng tốt ở cộng đồng, họ “bay” về huyện, tỉnh, gây mất nguồn nhân lực tại chỗ. Đó cũng là việc chúng ta cần tập trung đầu tư hỗ trợ “kiến thức chăm sóc sức khỏe ban đầu” cho tuyến dưới hơn là việc “chuyển giao kỹ thuật” theo chương trình 1816 như hiện nay. Nói tóm lại, để sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân thực sự có hiệu quả, bước đầu tiên, cơ bản, quan trọng nhất là phải khẳng định lại một triết lý chăm sóc sức khỏe toàn diện trên cả ba mặt: thể chất, tinh thần lẫn xã hội như định nghĩa sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới. Các nhà hoạch định chính sách vĩ mô lẫn vi mô sẽ dựa trên định nghĩa này triển khai các bước đi tiếp theo sao cho toàn diện, không thiên lệch. Từ việc xác định triết lý này, sẽ có cơ sở tập trung các dạng nguồn lực: nhân lực, vật lực, tài lực, thiên nhiên, xã hội và văn hóa nhằm vào mục đích chăm sóc sức khỏe cho chính mình và xã hội. Nhà nước sẽ giảm bớt gánh nặng trong việc lo cho sức khỏe người dân, góp phần đảm bảo “an sinh xã hội”. Hồ Chủ tịch cũng đã từng dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Muốn “dân liệu” hiệu quả phải chỉ ra vai trò người dân một cách rõ ràng, tạo điều kiện để mọi tầng lớp tham gia tích cực, riêng trong định nghĩa sức khỏe, đa số người dân hoàn toàn có thể làm tốt việc chăm lo sức khỏe tinh thần và xã hội, bên cạnh thầy thuốc họ có quyền và có khả năng tự chăm sóc mình và gia đình, cộng đồng trong một chừng mực nhất định nhưng lại hiệu quả rất lớn.
Mùng Năm Tết Nhâm Thìn 2012
Ths. Bs. Nguyễn Minh Mẫn
Sở Y tế Kiên Giang
|
nguồn: http://ykhoa.net/binhluan/nguyenminhman/120212_nguyenminhman_dinhnghiasuckhoe.htm |
Y tế Việt Nam nên bắt đầu từ định nghĩa sức khỏe!
Thursday, March 14, 2013
=>Mời bạn chia sẽ đóng góp ý kiến cho bài viết |
Đăng ký nhận bài miễn phí
|
|
|
0 Nhận xét