An
Tùng
(VNTB) - “Giá như họ dành thời gian rượt đuổi lao động nghèo như tụi tui để truy bắt những băng nhóm tội phạm thì có lẽ Sài Gòn sẽ bớt đi nạn cướp giật, xì ke ma túy, giang hồ quậy phá, cướp của, giết người…”. Chị Hằng ước ao.
Lốc
cốc…
Ở Sài Gòn trước năm 1975 đã có nghề
“mì gõ”. Cũng nghề này, từ thập niên 80 thế kỷ trước có tên “hủ tíu gõ”. Có
giải thích: bánh hủ tiếu không chỉ giá rẻ so với mì, mà còn được người làm ra
phơi khô rất kĩ, dễ bảo quản và bảo quản được lâu… phù hợp với tinh thần tiết
kiệm của người Quảng Ngãi đang mưu sinh nghề này tại Sài Gòn.
Tiếng gõ lốc cốc quen thuộc
tạo đặc điểm riêng biệt. Những tiếng gõ như một bản thanh ghi dấu những
kiếp người đã đến và đang sống giữa chốn thị thành xa hoa này bên
những giấc mơ hè phố, giấc mơ cần lao. Tiếng gõ trở nên quen thuộc
đến mức khi nói về Sài Gòn, người ta không thể không nhắc đến âm thanh
của hủ tíu gõ. Thứ âm thanh quen thuộc của thế giới gần với người thị
thành nhưng lại rất xa nhịp sống xa hoa này. Và nỗi khổ của người bán
hàng rong nói chung cũng mang một chút gì đó đặc trưng ở chốn này.
Chị Liên, người Mộ Đức, Quảng
Ngãi, có thâm niên nghề bán dạo gương lược, hộp quẹt… ở Sài Gòn gần 20
năm cho biết rằng, chị và những người bạn đồng hương đều có hoàn cảnh
rất khó khăn, không có đất đai để canh tác, hoặc có nhưng đã bị tịch
thu gọi là giải tỏa đền bù với giá rẻ mạt. Số tiền cầm trên tay không
đủ mua gạo và thức ăn nửa năm. Khi hết tiền, không còn đất canh tác
phải dắt díu nhau xuôi vào Nam kiếm cơm rày đây mai đó bằng công việc
bán hàng rong.
Chị kể trong thời gian gần đây,
vật giá leo thang đến chóng mặt. Mọi thứ chi tiêu trở nên hết sức
khó khăn nhưng vẫn phải thắt lưng buộc bụng cố gắng trụ lại Sài Gòn.
Cố đi bán đến 9 – 10 giờ đêm với hy vọng kiếm thêm được đồng nào mừng
đồng đó. Có chút dư gửi về quê cho con cái học hành.
Trung bình giá nhà trọ ở các
vùng ven Sài Gòn rẻ nhất cũng dao động 800 – 900 ngàn đồng/tháng. Chưa
kể tiền điện, nước và mọi thứ sinh hoạt khác. Trong khi thu nhập của
chị chỉ khoảng 50 – 60 ngàn đồng/ ngày. Cố gắng tiết kiệm tối đa, mỗi
tháng cũng phải chi tiêu hết 2/3 tiền thu nhập.
Chị Hằng, 55 tuổi, người Bồng
Sơn, Bình Định tâm sự khu nhà trọ nhóm chị đang thuê ở Gò Vấp đã bị
xuống cấp trầm trọng. Những ngày mưa lớn phải che áo mưa trên trần
nhà. Tuy vậy, những người thuê luôn cầu mong cho chủ trọ cứ để yên như
vậy đừng sửa chữa. Bởi mọi người đều lo sợ sau khi nâng cấp khang
trang, tiền thuê nhà hàng tháng sẽ tăng lên, đồng nghĩa với việc gánh
nặng trên vai họ càng nặng thêm.
Mùa mưa luôn là mùa buồn nhất
của những người bán hàng rong. Trước đây, vật giá chưa leo thang, những
khi mưa lớn, đường ngập, chị Hằng cùng những người bạn rủ nhau ở nhà
mua nếp nấu xôi ăn để… no dai – lâu đói. Còn bây giờ, đụng thứ gì cũng
tốn tiền, không ai dám ngồi nhà tổ chức ăn uống, dù là những món “nhà
nghèo”. Dù mưa to cở nào, nước ngập đến đâu, họ vẫn lặn lội đi
bàn kiếm tiền trang trải qua ngày và có chút đỉnh gửi về quê.
Ám
ảnh công an
Với những người xa xứ, nỗi ám
ảnh lớn nhất của họ chính là công an và trời mưa. Trời mưa, hàng bán
ể ẩm, trái cây bị hỏng, nhưng dẫu sao nếu cố giữ thì hàng hóa cũng
được bảo toàn chút ít. Nếu gặp công an mọi chuyện khó lường được.
Chị Hải, bán trái cây dạo cho
biết chị vừa mất một người bạn đồng hương. Chị nghẹn ngào nói không
gặp bạn nữa cũng chỉ vì công an. Trước đây, Hoa, bạn chị Hải cùng
vào làm công nhân giày da trong khu công nghiệp Tân Bình. Do công ty buộc
tăng ca liên tục mà mức lương quá thấp nên 2 chị em nghỉ việc, rủ nhau
mua xe ba gác đạp đi bán trái cây.
Mới ra nghề được 3 ngày ở khu
vực công viên Hoàng Văn Thụ quận Tân Bình, Hoa bị công an tịch thu xe
trái cây. Chạy vạy năn nỉ xin xỏ suốt cả tuần mới được nộp phạt 500
ngàn đồng để chuộc xe trái cây về nhưng chỉ còn nước mang đi đổ bỏ
bởi toàn bộ trái cây đã hư hỏng. Xem như mất trắng chuyến hàng đầu
tiên trị giá 3 triệu đồng, chưa kể 500 ngàn tiền phạt.
Vay tiền để có vốn bán chuyến
khác, Hoa lại bị công an bắt, bị nộp phạt vì quá chậm chạp,
lại không biết cách chạy né công an như những người đã có thâm niên
trong nghề bán rong. Không biết xoay xở đâu ra tiền làm vốn tiếp tục
bán buôn, Hoa đành lặng lẽ quay về quê. Khốn khổ thay, bị người chồng
say xỉn nặng nhẹ chì chiết, thậm chí đánh đập, Hoa tự kết liễu đời
mình bằng chai thuốc trừ sâu trong cơn tuyệt vọng. Vĩnh viễn khép lại
một kiếp người.
Kể đến đây Hằng bật khóc như
một đứa trẻ và nghẹn ngào trong nước mắt rằng kiếp sau chị nguyện
làm bất cứ con vật gì cũng được, miễn đừng làm con người xứ Việt. Mà
nếu như ông trời có bắt chị phải bán hàng rong, thì ông hãy thương
cho chị sang nước khác mà bán, nước nào cũng được, miễn là không có
công an là chị cám ơn!.
Chị Hằng ám ảnh đi làm gì cũng khổ. Làm công nhân thì bị o ép, buộc làm quá sức lại kiếm cớ trừ lương. Đi bán rong trái cây mưu sinh bằng mồ hôi nước mắt cũng bị công an rượt đuổi như tội phạm, rồi bị tịch thu hàng, nộp phạt… “Giá như họ dành thời gian rượt đuổi lao động nghèo như tụi tui để truy bắt những băng nhóm tội phạm thì có lẽ Sài Gòn sẽ bớt đi nạn cướp giật, xì ke ma túy, giang hồ quậy phá, cướp của, giết người…”. Chị Hằng ước ao.
0 Nhận xét