Chú giải của Noel Quesson
THÁNH MARIA, ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI
Ngày 1 tháng 1, trong khi chúng ta chúc nhau "năm tốt lành", Giáo Hội
mừng lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Và chúng ta ước nguyện đi xa hơn vào
huyền nhiệm Đức Kitô. Bởi vì mỗi lần Giáo Hội nói với chúng ta về Đức
Maria, chính là để nói về Đức Giêsu. Chúng ta có khẳng định quá đán, khi
chúng ta nói, trong kinh Kính Mừng Maria: Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa?
phải chăng một tạo vật có thể là mẹ Thiên Chúa? Phải Chăng Thiên Chúa
lại sinh ra từ một người đàn bà, như Thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ
hai hôm nay (Gl 4,4).
Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.
Các mục đồng hết sức đơn thành, ở những vùng sườn đồi Bêlem, chạy vội
đến để xác minh sứ điệp mà thiên thần truyền cho họ: "một Đấng Cứu độ
được sinh ra cho các ngươi; Người là Đức Kitô và là Chúa". Chính là Hài
Nhi mang ba danh hiệu ấy mà họ tìm đến. Ba danh hiệu trang trọng, thuộc
về Thiên Chúa: Đấng Cứu Độ, Đấng chịu Xức Dầu, Đức Chúa.
Như vậy, điều đáng chú ý nhiều hớn nữa là Luca dường như xem thường
Hài nhi, khi trưng dẫn Người cuối cùng; và cũng đặt người đàn ông, ông
Giuse, xuống thứ hai vào thời mà người đàn bà không có giá trị ngang
bằng. "Họ khám phá ra Maria". Trong cái viễn tượng đảo lộn này, có một
cuộc cách mạng thần học và nhân bản nho nhỏ.
Maria! Danh hiệu của bà là Mẹ Thiên Chúa đã chỉ được xác định ở Công
đồng Êphêsô năm 430. Nhưng từ rất lâu, lòng sùng kính bình dân đã dám
gọi Đức Maria là "theotokos" "Mẹ Thiên Chúa". Và vào thời đó khi các
giám mục chính thức công nhận danh hiệu này, thì cả thành phố Êphêsô
hoan hỉ và xuống phố lúc nữa đêm để rước đuốc mừng lễ. Cái mà các nhà
thần học tìm kiếm, về mặt trí thức, từ bốn thế kỷ qua, thì về bản chất
nó đã được sống nơi tất cả những người chỉ biết đơn sơ lắng nghe Tin
Mừng. Các Công đồng chỉ có vai trò xác định bằng ngôn ngữ khoa học những
điều đã gợi ra từ trong Tân ước. Ngoài ra còn phải đợi đến hai mươi năm
nữa, thì Công đồng Can-xê-đoan sau cùng năm 451 mới xác định huyền
nhiệm của Đức Giêsu và Đức Maria. Đây là văn bản tín điều, văn bản nổi
tiếng nhất của lịch sử các Cồng đồng: "Tất cả, chúng tôi đồng lòng tuyên
xưng, một Chúa Con độc nhất và luôn luôn là một. Đức Giêsu Kitô Chúa
chúng ta, hoàn toàn về thiên tính, hoàn toàn về nhân tính, Thiên Chúa
thật và người thật, được cấu thành bới một linh hồn có lý trí và một
thân xác, đồng bản tính với Chúa Cha do thiên tính, đồng bản tính với
chúng ta bởi nhân tính, tất cả đều giống như chúng ta trừ tội lỗi (Dt
4,15), được sinh ra bởi Chúa Cha, trước các thế kỷ theo thiên tính, được
sinh ra trong những ngày cuối cùng này vì chúng ta và để cứu độ chúng
ta, bởi Đức Maria, Mẹ trinh nguyên của Thiên Chúa theo nhân tính: một và
cùng một Chúa Ki tô duy nhất. Con độc nhất, mà chúng ta phải nhận biết
trong hai bản tính không lẫn lộn, không thay đổi, không phân ly, không
tách biệt". Đấy là tấm giấy chứng minh kỳ diệu và rõ rệt về Đức Giêsu
Nagiarét, và Mẹ Người Đức Maria.
Họ tìm ra Bà Maria và ông Giuse cùng với Hài nhi đặt nằm trong máng cỏ.
Cần phải lặp lại những từ này sau khi đã nghe xác định trang trọng về
Đức tin. Như thế chúng ta hiện đứng trước một trong hai phương diện của
Đức Giêsu, nhân tính thực của Người. Các mục đồng trông chờ tìm thấy
một Đấng Cứu độ Kitô Chúa (Lc 2.11), và chỉ tìm thấy có thế: một Hài nhi
trong chuồng bò lừa, đặt trong máng cỏ dành cho súc vật, một Hài Nhi
trên nệm rơm! Thiên Chúa lập tức tự mạc khải như một vị hoàn toàn khác:
thoạt đầu, Người khác với cái mà ta tưởng tượng về Người. Người đã hiện
ra như quá gần gũi, ngay từ đầu. Người mang tính người đến nỗi nhiều
người không nhận ra Người, chính vì Người bị che khuất đối với người
thân tín nhất của nhân loại chúng ta.
Vâng, Giao ước giữa Thiên Chúa và con người mà Cựu ước, Tân ước nói
tới, ngay từ đầu, không huyênh hoang, đã nói với chúng ta là nó đi đến
đâu: hợp nhất không thể xé bỏ được, không lẫn lộn, không phân ly, không
tách biệt.
Tất cả thái độ tôn giáo được hâm chứa như mầm mống trong điều mạc
khải này: người ta không thể miệt thị vật chất, thân xác, từ khi Thiên
Chúa "nhập thể" trong cung lòng trinh nữ Maria. Không có cái gì là phàm
tục. Tất cả đều trở nên linh thánh, nghĩa là đôi khi hoàn toàn "nhân
bản" và hoàn toàn "thiên bản": lớn lên chín tháng trong bụng mẹ, sinh
ra, ngủ nghỉ, ăn uống, học đi và tập nói, chữa lành bệnh nhân, lên tiếng
công khai, yêu mến bạn bè, thức dậy sớm ban sáng để cầu nguyện, chịu
đau đớn, chết,... những thực tại nhân thiên bản những thực tại linh
thánh. Và Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, thì giống như một bảo đảm cho sự kết
hợp không thể phân ly của Thiên Chúa và con người trong bản vị độc nhất
của Đức Giêsu.
Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này.
Điều họ đã được loan báo, chính là "một Đấng Cứu Độ, được sinh ra cho
các anh, người là Chúa Kitô. Họ đơn sơ đến nói sứ điệp của họ, tức là
những lời nói mà họ nghe thấy. Các họa sĩ thuộc mọi thời đại đã diễn
dịch câu nói Tin Mừng này khi trưng bày một bức tranh "Sự thờ kính của
các mục đồng". Thực sự, đúng hơn các mục đồng đã giảng một bài cho Đức
Maria, bằng cách nói Tin Mừng cho bà, tin lành mà họ nhận được. Bây giờ,
trong câu này chúng ta thấy có phương diện thứ hai của Đức Giêsu, thiên
tính đích thực của người: về Hài nhi này, các thiên thần đã nói với
chúng ta rằng:
Người là Đức Kitô và là Chúa!". Đó là một tuyên xưng đức tin và từ đó
đến thờ kính thì không xa: các bức tranh của các họa sĩ không lầm lần.
Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà
Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.
Ngôn từ Hy Lạp của Luca còn mạnh mẽ hơn nhiều mọi người ai cũng lấy
làm lạ lùng. Thế nhưng, có cần phải thấy một đối lập mà Luca muốn trình
bày giữa thái độ tổng quát và thái độ của Maria chăng? Quả thực đúng là
ông chỉ nhấn mạnh đến cách hành sử của bà thôi: Bà không chỉ lạ lùng, mà
suy niệm.. Dù không hiểu nhiều hơn các mục đồng về huyền nhiệm xảy đến
cho mình, phải chàng người ta không thể nghĩ rằng từ đáy lòng mình Đức
Maria nói lại tiếng xin vâng của đức tin trước sự mới lạ bất ngờ của Hài
nhi này sao? Luca không ngừng tôn vinh giá trị của Maria.
Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên
Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với
họ.
Chúng ta luôn luôn cố giản lược huyền nhiệm về Đức Giêsu, bằng các
đến giản hóa đi, Hoặc là người ta nhân bản hóa Đức Giêsu khi chỉ nhìn
thấy người là một người có thiên tài, hoặc người ta linh thiêng hóa
người bằng cách chối từ những khuyết điểm trong nhân tính của Người.
Chính các mục đồng, những con người đơn sơ, đã trông thấy và đã nghe
thấy. Họ đã xem thấy một nhân tính hoàn toàn bình thường, và nghe thấy
một sứ điệp rất phi thường. Và họ không chỉ muốn dừng lại ở những dáng
vẻ bên ngoài: họ tôn vinh và ca tụng Thiên Chúa.
Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu
Hài nhi Bêlem là một người thực bé mọn, gắn liền với một truyền
thống, một văn hóa và hệ thống tập tục. Đó là một bé trai, nhời được ghi
dấu vào xác thịt dành cho tất cả những người nam của dân tộc này. Vâng,
một nhân tính thực sự mà trước nó người ta không thể không thấy được.
Nhưng tên của trẻ thơ này mang những vấn đề mới về căn tính của cậu: tại
sao di cư phải đặt cái tên Thiên Chúa Cứu Độ, Yeshoua, Giêsu? Tại sao?
Đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.
Theo Luca, việc đặt tên này chỉ là nhột cơ hội bổ sung để làm nổi bật
Maria: tác giả nhấn mạnh rằng Maria, Mẹ Người, đã nhận tên con mình
"trước khi Người được thụ thai trong lòng".
Công đồng Vatican II, tiếp theo một truyền thống lâu dài của Giáo
Hội, đã trình bày Đức Maria như một gương mẫu của Giáo Hội, người đầu
tiên trong các tín hữu. Và trong trang Tin Mừng này, chúng ta thực sự
vừa mới nhận ra rằng bà là người đầu tiên đón nhận Lời Chúa và suy niệm
trong lòng mình... và bà là người đầu tiên có lời tuyên xưng cơ bản về
lòng tin của chúng ta: Thiên Chúa Cứu Độ!
Trong ngày đầu tiên của năm mới, tất cả sự mới mẻ của niềm tin Kitô
giáo được Đức Maria nhắc lại cho chúng ta. Sự tân kỳ của Đức tin của các
Kitô hữu, chính là không phải chỉ tin vào Thiên Chúa. Điều đó, phần
đông mọi người vẫn thế, nhất là những người theo một trong những tôn
giáo lớn trên thế giới: và chúng ta nghĩ đến Do Thái giáo, Hồi Giáo, và
biết bao Tôn Giáo hữu linh. Đặc tính riêng biệt của người Kitô hữu,
chính là tin vào sự nhập thể của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Sự tôn
sùng Đức Maria chỉ làm cho chúng ta nhớ lại điều đó.
Lễ Mẹ Thiên Chúa: Đức Maria Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ chúng ta
LM ĐAN VINH
Ds 9,1-6 ; Gl 4,4-7 ; Lc 2,15-21
I HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 2,15-21.
(15)
Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người
này bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như
Chúa đã tỏ cho ta biết”. (16) Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. (17).
Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. (18)
Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. (19) Còn bà
Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.
(20) Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên
Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với
họ. (21) Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ Cắt
Bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su. Đó là tên mà sứ thần đã
đặt, trước khi Hài Nhi thành thai trong lòng Mẹ.
2. Ý CHÍNH: CHÚA GIÊ-SU LÀ CON MẸ MA-RI-A
Các
mục đồng liền vội vã lên đường đi tìm Đấng Cứu Thế theo dấu chỉ thiên
sứ vừa cho biết (x Lc 2,12), và họ đã gặp được Hài Nhi mới sinh, cùng
với cha mẹ Người là hai ông bà Giu-se và Ma-ri-a (c 16). Sau đó tới ngày
thứ tám, là lễ Cắt Bì và Hài Nhi được đặt tên là Giê-su, đúng như lời
thiên thần truyền tin cho trinh nữ Ma-ri-a (x Lc 1,31).
3. CHÚ THÍCH:
- C 8-9: + Trong vùng ấy có những người chăn chiên…:
Sau khi bà Ma-ri-a sinh con trong cảnh khó nghèo tại thành Bê-lem, các
mục đồng vốn là những kẻ nghèo hèn sống bên lề xã hội Do thái và luôn bị
khinh dể, vì không có điều kiện tuân giữ Luật pháp Mô-sê. Giờ đây họ đã
được ưu tiên đón nhận Tin Mừng về Đấng Cứu Thế đã ra đời.
- C 10-14: + “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại…”…:
Qua đó cho thấy những người nghèo khó, đau khổ và bị bỏ rơi đang bị
thua thiệt thì giờ đây lại được Chúa ưu tiên đ loan báo tin vui cứu độ
(x Mt 5,3.5.7).
- C 16: + “Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”: Ở
đây, Lu-ca kể theo thứ tự tư nhiên: Ma-ri-a, Giu-se và Hài Nhi. Nhưng
nếu theo thứ tự siêu nhiên thì phải kể: Hài Nhi Giê-su, Ma-ri-a và
Giu-se. Vì Hài Nhi là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa, rồi đến Đức Ma-ri-a
là Đấng thánh được chọn làm Mẹ của Đấng Thiên Sai, nên phải kể ra trước
Giu-se.
- C 19: + Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng:
Ma-ri-a để tâm suy gẫm để tìm ra ý nghĩa của những sự kiện xảy ra trong
cuộc đời Chúa Giê-sù, từ đó khám phá ra thánh ý Thiên Chúa muốn Mẹ phải
làm gì để đáp lại tình thương cứu độ của Thiên Chúa.
- C 21: + Làm lễ Cắt Bì:
Cắt bì là cắt một ít da thừa nơi bộ phận sinh dục của bé trai. Luật
Mô-sê quy định lễ Cắt Bì phải được thực hiện vào ngày thứ tám sau khi
đứa trẻ sinh ra (x Lv 12,3). Người thực hiện phải dùng dao bằng đá (x Gs
5,2). Việc chảy một ít máu tượng trưng “máu giao ước” giữa Đức Chúa với
dân Ít-ra-en (x Xh 4,26). Qua nghi lễ này đứa trẻ được chính thức gia
nhập vào dân riêng của Đức Chúa và được cha mẹ đặt tên cho, như trình
thuật về lễ đặt tên của Gio-an Tẩy Giả (x Lc 1,59-63).
- C 21: +Tên gọi Giê-su:
Khi hiện ra trong giấc mộng, thiên thần đã lệnh cho Giu-se đặt tên cho
con trẻ sắp sinh ra là Giê-su, nghĩa là Đấng Cứu Thế, và lời giải thích ý
nghĩa của tên gọi sau đó: “vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội của họ” (Mt 1,25).
4. CÂU HỎI: 1) Người chăn chiên là hạng người nào trong xã hội Do Thái? 2) qua sự kiện các mục đồng nghèo khó được loan báo Tin Mừng trườc tiên, cho thấy tình thương cứu độ của Thiên Chúa như thế nào? 3) Lu-ca kể ra ba nhân vật trong gia đình thánh gia theo thứ tự tự nhiên, đang khi nếu xét về đức tin thì lẽ ra phải kể tên các Đấng theo thứ tự như thế nào mới hợp đức tin? 4) Cắt Bì là gì? Ai được chịu phép Cắt Bì? Được
chịu khi nào và nhằm mục đích gì? 5) Tên Hài Nhi Giê-su do ai ra lệnh?
Tên ấy nghĩa là gì? Theo Tin Mừng Mat-thêu (x Mt 1,21.25) ai được thiên thần ra lệnh phải đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su? Tên Giê-su có ý nghĩa thế nào?
II SỐNG LỜI CHÚA:
1) LỜI CHÚA: Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là Mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình (Ga 19,27)
2) CÂU CHUYỆN: MẸ MA-RI-A HẰNG CỨU GIÚP NHỮNG KẺ GẶP NGUY KHỐN
Trưa
ngày 12 tháng 10 năm 1972, một chiếc phi cơ chở 45 giáo viên và học
sinh đi từ Mông-tê-viu đến Săng-chi-a-gô nước Chi-Lê thi đấu thể thao đã
bị rớt khi băng qua dãy núi Ăng-đét và vỡ ra nhiều mảnh. Có 28 học sinh
còn sống sót. Khi màn đêm buông xuống, 28 học sinh còn sống sót kia
ngồi tụm lại bên nhau trong một khoang máy bay. Cũng may, trên phi cơ
vẫn còn một số đồ ăn như thịt nguội, bánh mì và rượu vang… và một chiếc
ra-đi-ô cát-xét. Nhờ chiếc ra-đi-ô này mà họ có thể theo dõi cuộc cứu hộ
đang triển khai tại các quốc gia trong vùng. Sau tám ngày, họ nghe được
các đoàn cứu hộ báo cáo không thể tìm ra chiếc máy bay gặp nạn và không
hy vọng hành khách nào còn sống sót. Thế là các nạn nhân hiểu rằng: họ
có còn sống hay không là do quyết tâm của chính họ.
Ít
ngày sau, thêm 12 người nữa theo nhau qua đời vì bệnh viêm màng phổi vì
không chịu được giá rét khủng khiếp. Đoàn người còn lại 16 người. Bây
giờ họ chỉ còn biết trông chờ phép lạ. Thế là cả 16 học sinh này quyết
định họp nhau cầu nguyện vào mỗi tối. Vào khoảng 9 giờ tối, khi trăng
bắt đầu mọc trên triền núi, thì mọi người ngồi quây quần đọc chung kinh
Mân Côi. Giờ kinh được tiếp tục bằng lời cầu tự phát và các bài thánh
ca. Cuối cùng kết thúc bằng kinh Hãy Nhớ để nài xin Mẹ Chúa Trời thương
cứu giúp. Những buổi cầu nguyện như thế trở thành nguồn động lực lớn lao
giúp các học sinh hy vọng sẽ được cứu thoát. Thấm thoát đã sang tuần lễ
thứ tám. Thời tiết bắt đầu bớt băng giá. Hai cậu khỏe nhất trong bọn và
có kinh nghiệm leo núi quyết định sẽ leo xuống núi cầu cứu. Cuộc hành
trình của họ vô cùng khó khăn nguy hiểm. Cũng may họ tìm được một cuộn
dây thừng bằng ny-lông và dùng làm dây an toàn để leo xuống vách núi đá
trơn trượt. Chỉ cần bất cẩn một chút là cả hai sẽ lao xuống vực thẳm.
Mọi người còn lại đều hợp ý cầu xin Mẹ Ma-ri-a nâng đỡ cho hai bạn được
an toàn. Chín ngày sau, hai cậu đã xuống được đến một trạm kiểm soát ở
dưới chân núi, và vài tiếng đồng hồ sau, đã có hai chiếc trực thăng cứu
hộ xuất hiện trên đỉnh núi cao để cứu mười bốn học sinh còn lại. Nhờ sự
thành tín kêu cầu Đức Ma-ri-a, mà các học sinh này đã sống được tới 70
ngày trên đỉnh núi cao giá lạnh, đang khi không ai trong các thân nhân
của họ dám hy vọng họ còn sống và có ngày trở về nhà. Suốt 70 ngày gian
khổ trên núi, 16 cậu học sinh này đã cảm nghiệm được rằng: Đức Ma-ri-a
không những là Mẹ Thiên Chúa, mà Người còn là Mẹ của tất cả những ai
thành tâm tin cậy cầu xin Ngài cầu bầu.
3. SUY NIỆM:
- Đức Ma-ri-a Mẹ Chúa Giê-su và Mẹ của chúng ta:
Thánh Phao-lô viết trong thư Ga-la-ta: “Khi thời gian tới hồi viên mãn,
Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống
dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận
được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5). Như vậy, khi sinh hạ Chúa Giê-su, Đức
Ma-ri-a cũng hạ sinh một nhân loại mới. Vì Người là Mẹ của Chúa Giê-su
là đầu nhiệm thể, nên cũng là Mẹ của các tín hữu chúng ta. Hơn nữa, khi
đứng dưới chân thập giá, Mẹ Ma-ri-a được Chúa Giê-su trối làm mẹ của
Gio-an là đại diện của Hội Thánh, và sau đó Gioan đã rước Mẹ về nhà mình
mà phụng dưỡng thay cho Thầy Giê-su (x. Ga 19,26-27). Cuối cùng, Mẹ
Ma-ri-a còn là trạng sư cầu bầu đắc lực cho chúng ta trước tòa Chúa
Giê-su là Đấng sẽ tái lâm để phán xét chung tòan nhân lọai vào ngày tận
thế sau này.
- Mẹ đã nêu gương sống đức tin cậy mến: Trong
biến cố truyền tin Mẹ đã lắng nghe lời giải thích của sứ thần, tìm
hiểu ý nghĩa trong sự đối thoại: “việc ấy sẽ xảy ra cách nào , vì tôi
không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1, 34). Nhờ đối thoại với sứ
thần, Mẹ ngày càng khám phá ra mầu nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa xuống thế
làm người, để cộng tác bằng việc cưu mang và hạ sinh Đấng Cứu Thế. Mẹ
thể hiện niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa bằng thái độ lắng nghe và tin
tưởng tuyệt đối vào Lời Chúa sẽ được thực hiện như bà Ê-li-sa-bét đã
khen ngợi (x Lc 1,45). Khi Chúa giáng sinh, Mẹ đã nghe lời ca khen của
các thiên thần, các mục đồng, và các nhà thông thái tìm đến thờ lạy Hài
Nhi Giêsu, Tin Mừng Luca đã ghi lại thái độ của Mẹ như sau : “Còn bà
Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng”
(Lc 2.19.51). Trên núi Sọ, Mẹ đã tận mắt chứng kiến người con yêu chịu
treo trên thập giá giữa hai người trộm cướp, lòng Mẹ nát tan như bị lưỡi
đòng đâm thấu trái tim (x Lc 2,35).
- Vai trò chuyển cầu của Đức Ma-ri-a: Trong
tiệc cưới tại Ca-na, chính Mẹ Ma-ri-a đã phát hiện ra tiệc cưới sắp bị
hết rượu. Mẹ không đợi đôi tân hôn phải kêu xin, nhưng đã mau mắn đến
xin con mình là Đức Giê-su giúp cho đôi tân hôn và dạy các gia nhân phải
vâng lời Đức Giê-su truyền. Nhờ sự chuyển cầu của Mẹ, mà dù chưa tới
giờ hành động. Đức Giê-su vẫn làm cho nước lã biến thành rượu ngon, giúp
cho đôi tân hôn khỏi bị mang tiếng trước mặt các thực khách (x. Ga
2,1-11). Ngày nay ở trên trời, Mẹ Ma-ri-a cũng tiếp tục chuyển cầu cho
các đôi vợ chồng có lòng yêu mến tin cậy cầu xin, Mẹ sẽ giúp họ vượt qua
những thử thách trong cuộc sống lứa đôi, và sẽ làm cho tình yêu của họ
dù có bị lạt như nước lã sau nhiều năm sống chung, sẽ hóa nên nồng thắm
như ngày mới cưới. Miễn là họ phải mời Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a vào
hiện diện trong gia đình của họ. Cách trưng bày ảnh tượng của Chúa
Giê-su và Đức Mẹ trên bàn thờ gia đình sẽ nói lên đức tin của các gia
đình tín hữu chúng ta trưởng thành và sáng suốt đến mức độ nào.
- Chúng tôi phải làm gì ? : Đức Ma-ri-a trở
thành mẫu gương sống đức tin cậy mến cho các tín hữu chúng ta học tập
noi gương về cách ứng xử trước các biến cố gặp phải trong cuộc sống đời
thường. Nhờ năng đọc Lời Chúa, các tín hữu sẽ học nơi Mẹ Ma-ri-a “luôn
ghi nhớ các sự việc ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Hãy năng tìm hiểu
ý Chúa và mau mắn “Xin vâng”. Hãy năng dâng lời ca tụng tình thương cứu
độ của Thiên Chúa hằng ngày trong lời kinh “Linh hồn tôi ngợi khen Đức
Chúa” (Lc 1,46). Hãy biết chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho những người
thân và phục vụ những ai đang cần được trợ giúp như Mẹ đã ở lại ba tháng
để phục vụ bà chi họ Ê-li-sa-bét cho tới ngày bà sinh con (x Lc 1,56).
Hãy cùng Mẹ can đảm chia sẻ sự đau khổ với Chúa Giê-su trên cây thập
giá, sẵn sàng chịu chết đi cho tội lỗi và được sống lại vinh quang với
Người sau này.
4. THẢO LUẬN: 1) Môn đệ Gio-an đã rước Đức Ma-ri-a về nhà mình để phụng dưỡng. Còn chúng ta hôm nay phải làm gì để tỏ lòng hiếu kính đối với Mẹ Ma-ri-a và trở nên con cái ngoan ngoãn hiếu thảo của ngài? 2) Ngày nay khi gặp các gian nan thử thách, các đôi vợ chồng tín hữu cần làm gì để được Mẹ Thiên Chúa giúp đỡ?
5. NGUYỆN CẦU:
-
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Trần gian hôm nay đầy những thú vui hấp dẫn chúng con.
Nhưng những đam mê ấy thường bất chính và chỉ mang lại hậu quả tai hại
cho phần rồi đời đời của chúng con. Thiên đàng của thế gian là thứ thiên
đàng giả tạo và bọt bèo chóng qua. Hôm nay chúng con xác tín rằng: chỉ
Chúa mới là lẽ sống cuộc đời chúng con, là mặt trời công chính xua tan
bóng đêm tội lỗi.
-
LẠY CHÚA. Xin cho chúng con biết luôn tìm kiếm Chúa, lắng nghe Lời Chúa
và tìm thấy con đường phải đi. Xin cho chúng con mỗi ngày biết siêng
năng cầu nguyện, tham dự thánh lễ và rước lễ sốt sắng. Nhờ đó, chúng con
hy vọng sẽ trở nên những môn đệ trung tín, luôn chiếu ánh sáng tin yêu
trước mặt mọi người, để họ thấy những việc lành chúng con làm mà ngợi
khen Cha trên trời.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
0 Nhận xét