Bài đọc: Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12
Lm. Jude Siciliano, OP.
Kính thưa quý vị,
Nếu
tôi hỏi ai đã sống ở số 22 B đường Baker, quý vị sẽ trả lời
được chứ? Các độc giả của Sir Arthur Conan Doyle hẳn sẽ trả lời được
bởi đó là một địa chỉ tưởng tượng của nhân vật Sherlock Holmes
nổi tiếng. Thám tử Sherlock Holmes xuất hiện lần đầu tiên ở ấn
bản năm 1887. Nhân vật Sherlock Holmes được biết đến với khả năng
cải trang và các phương pháp nghiệp vụ điều tra chuyên nghiệp.
Trong khi trợ tá của ông, bác sĩ Watson, lấy làm lạ về thiên
tài phá án của ông đối với những vụ án mà người khác không
thể làm được, Sherlock Holmes chỉ trả lời “đó chỉ là điều bình
thường thôi ông Watson à.” Dường như ông ta muốn nói rằng bất cứ
ai cũng có thể giải mã điều huyền bí bằng cách lập luận đúng
đắn và những phương pháp loại suy thích hợp.
Các
câu chuyện Sherlock Holmes phù hợp cho những ai ham thích huyền
bí. Thế nhưng, chúng ta lại cần phải quên đi lý lẽ theo kiểu con
người và lập luận của Sherlock Holmes khi đối diện với mầu nhiệm
Thiên Chúa – cách thức Người đối xử với con người. Mầu nhiệm chúng ta
nói đến là gì? Đó chính là mầu nhiệm thánh Phaolô đã loan báo
hôm nay, “mầu nhiệm được mạc khải cho tôi”. Thánh Phaolô đề cập
đến đường lối nhiệm mầu của Thiên Chúa – chủ đề được trình bày qua
các lá thư của tác giả. Tựa như đối diện với các mầu nhiệm vĩ
đại khác, khám phá mầu nhiệm này mang đến một sự ngạc nhiên.
Đây
là mầu nhiệm được mạc khải cho thánh Phaolô: Các dân ngoại
được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng chia sẻ
điều Thiên Chúa hứa. Thiên Chúa đã xoay chuyển cuộc đời thánh
Phaolô qua việc mặc khải Chúa Kitô cho ngài. Hơn thế nữa, việc
rao giảng mầu nhiệm Thiên Chúa đã mạc khải là công việc suốt
đời của ngài. Chính ngài đã kể mình là người được trao phó làm
“tôi tớ cho ân sủng Thiên Chúa”. Trên hết, ngài được giao cho
trọng trách mở rộng sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh đến tất
cả các dân tộc. Nói cách khác, sứ vụ của thánh Phaolô là trình bày
mầu nhiệm Thiên Chúa – những hành động cao siêu của Người dành cho
họ.
Đâu
là “mầu nhiệm” trong hành động trước đây của Thiên Chúa? Thiên
Chúa đã hứa với ông Abraham rằng nhờ ông mà “mọi gia tộc trên
mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,3). Các ngôn sứ đã từng công
bố ý định của Thiên Chúa là tập hợp muôn người vào trong một
vương quốc của bình an (Is 2,2-4; 60,1-7). Vậy đâu là mầu nhiệm,
điều còn giữ kín? Điều trước đây đã không được tỏ bày rõ ràng đó là:
người Do Thái và các dân ngoại bình đẳng với nhau – “cùng kế
thừa gia nghiệp, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ
điều Thiên Chúa hứa trong Đức Kitô Giêsu qua Tin Mừng.”
Các
dân ngoại không cần phải gia nhập Do Thái giáo và đón nhận Lề
Luật. Thay vào đó, họ có thể gia nhập Nước Thiên Chúa nhờ tin
vào Đức Kitô. Chính Đức tin chứ không phải sự tuân giữ Lề Luật
làm cho họ trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Nhờ ân sủng,
Thiên Chúa đã đưa người Do Thái và các dân ngoại vào trong công
trình sáng tạo mới. Hội Thánh sơ khai khó khăn để chấp nhận
“mầu nhiệm” này, mầu nhiệm đang được tông đồ Phaolô – một Pharisêu
nhiệt thành trước đây, rao giảng.
Tin
Mừng hôm nay thuật lại rằng các nhà chiêm tinh bước vào nhà và giới
thiệu “mầu nhiệm” được tỏ bày nơi một con người cụ thể. Họ là
những bậc thông thái hoặc thậm chí là những nhà nghiên cứu thiên
văn. Vì thế do bản chất, các nhà chiêm tinh là những người tìm tòi,
họ đến tìm kiếm “vị vua dân Do Thái”. Họ có thể tìm thấy đứa
trẻ thân thế hoàng tộc này ở đâu? Không phải ở nơi cung điện
quyền lực của Hêrôđê; ông vốn là điển hình cho cách thế của người
có quyền lực đối xử với một đấng có thể quy tụ muôn dân vào
vương quốc của người.
Đức
Giêsu không sinh ra tại một châu thành quan trọng. Người cũng không
phải là kẻ thừa kế của một nhà cai trị quyền uy. Người đã
sinh ra tại Bêlem, là “ao tù” dưới con mắt của triều đình vua
Hêrôđê và giới lãnh đạo tôn giáo ở Giêrusalem. Thánh Mátthêu
nhắc chúng ta nhớ đến lời tiên báo của ngôn sứ Mikha rằng Bêlem
“dù sao cũng là kẻ bé mọn nhất trong các thủ lãnh Giuđa.”
Bêlem là thành nhỏ bé, nghèo khổ và tầm thường, nhưng lại trở nên
quan trọng nhờ cuộc giáng lâm của Chúa. Độc giả của Tin Mừng nhớ
rằng thánh Mátthêu cũng đã diễn tả ở chương 25 (câu 40, 45):
chỗ hèn kém nhất chính là nơi ta gặp Đức Kitô. Qua những bé
mọn, Bêlem và những kẻ khó nghèo, Đức Kitô đến với chúng ta.
Đó là một bài học mà Hội Thánh cần loan báo không ngừng. Cũng
như các nhà chiêm tinh, chúng ta tìm Đức Kitô giữ những “bé mọn.”
Các
nhà chiêm tinh tìm thấy Đức Kitô nhờ sự trợ giúp của một ngôi
sao, ánh sáng dẫn đường. Thánh Mátthêu sẽ cho thấy cách mà qua
Đức Kitô, quyền năng tình yêu của Thiên Chúa trong thân phận thấp
hèn, phục vụ và yếu đuối sẽ đương đầu với các thế lực trần
gian. Nhờ Đức Kitô, ánh sáng đã chiếu dọi vào thế gian tăm tối
đầy tội lỗi và vào các thể chế băng hoại mà Hêrôđê là đại
diện. Ánh sáng này đã bắt đầu biến đổi con người – trước tiên
là các nhà chiêm tinh.
Các
nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Kitô đã kết thúc cuộc thăm viếng
của mình bằng việc lên đường trở về quê hương “theo một con đường
khác.” Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, thay đổi đường lối có nghĩa
là một sự thay đổi đời sống, một cuộc hoán cải. Khi gặp gỡ
Đức Kitô, chúng ta được biến đổi và không trở lại con đường cũ
nhưng phải tìm “một con đường khác” để sống cuộc đời mình.
Qua câu chuyện về các nhà chiêm tinh, tìm kiếm “một con đường
khác” có thể hiểu là tìm Đức Kitô ở những nơi thấp hèn và
trong “những kẻ bé mọn.”
Các
nhà chiêm tinh không phải là dân Israel, và đây chính là điểm
mấu chốt của câu chuyện. Họ là những người thiện tâm đáp lại
ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa. Họ đại diện cho tất cả
những ai tìm kiếm chân lý. Họ không phải chối bỏ văn hóa của
chính mình để theo đuổi chân lý đó. Câu chuyện nối kết tất cả
chúng ta lại với nhau. Bất kể chúng ta xuất thân từ đâu, chỉ
cần chúng ta nhận ra ân sủng Thiên Chúa tặng ban trong Đức Kitô.
Câu chuyện về các nhà chiêm tinh là câu chuyện của Tin Mừng. Nó
khởi đi với ân sủng Thiên Chúa tặng ban cho những ai đang “ở bên
ngoài”. Họ đón nhận mạc khải và đáp lại bằng cách rời bỏ
con đường trước đây để bước theo ánh sáng. Một khi những kẻ
kiếm tìm gặp được Đức Kitô, họ sẽ rập khuôn cuộc đời mình theo
khám phá đó.
Các
nhà chiêm tinh nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ quá ù lì trong
cuộc sống. Công cuộc tìm kiếm vị Thiên Chúa hằng sống của
chúng ta không bao giờ kết thúc. Chúng ta không nên tự hài lòng về
nơi ta đang ở, và cũng không nên thỏa mãn với tình trạng đời
sống tâm linh hiện nay của mình. Lối sống thỏa mãn, an phận
này có thể mang hình hài của bóng đêm. Luôn luôn có nhiều con
đường mầu nhiệm của Thiên Chúa cần được khám phá nếu như chúng
ta, tựa như các nhà chiêm tinh, đang sẵn sàng cho cuộc hành trình
được chính ánh sáng của nội tâm thúc đẩy.
Lễ
Hiển Linh cũng nhắc nhớ chúng ta phải tôn trọng cuộc tìm kiếm
và hành trình mà những người khác đang thực hiện. Mạc khải
của Thiên Chúa mang nhiều hình thái khác nhau và con người có
thể tìm thấy Thiên Chúa bằng nhiều con đường mà chính tôi cũng
không thể hiểu rõ. Có lẽ, tôi cần ca ngợi Thiên Chúa vì sự đa
dạng, phong phú nơi ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Hôm nay
là ngày tán dương những đường lối mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Anh Em Học Viện Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ
0 Nhận xét