A/ BẢN VĂN
Bài đọc I (Is 60, 1-6)
Hãy
đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới,
vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang
bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa
đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân
sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh
của ngươi. Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những
người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi; các con trai của ngươi
tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông. Bấy
giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và
sẽ phồng lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn
phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ
lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ Mađian và Epha; tất cả những ai
từ Saba đi tới, đem theo vàng và nhũ hương, và họ sẽ tuyên rao lời ca
ngợi Chúa.
Bài đọc II (Ep 3, 2-3a. 5-6)
Anh
em thân mến, (chắc) anh em đã nghe biết rằng: Thiên Chúa đã ban cho tôi
việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết,
tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác
không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người,
và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại
được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa
của Người trong Chúa Giêsu Kitô.
Tin Mừng (Mt 2, 1-12)
Khi
Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có
mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: “Vua
người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi
sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe
nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua
đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ
cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc
xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi
Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì
của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn
nuôi Israel dân tộc của Ta”. Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo
sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã
phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài
Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến
triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ
xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên
chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến
vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối
xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật:
vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại
với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.
B. CHÚ GIẢI
Chú giải và gợi ý suy niệm của Lm FX Vũ Phan Long, ofm: DÂN NGOẠI ĐỨNG TRƯỚC ĐỨC VUA CỦA NGƯỜI DO THÁI
1/ Ngữ cảnh
Chương 2 của Tin Mừng Mátthêu là một bài tường thuật đầy đủ, hoàn toàn dễ hiểu dù không có chương 1. Chính điểm này cho thấy có nhiều tài liệu có trước Mt
được ráp nối với nhau. Đề tài “sự hoàn tất các sấm ngôn” cũng được nhắc
tới đều đặn (x. 2,6.15.18.23). Có bốn truyện kết cấu chặt chẽ với nhau
tạo nên diễn tiến của chương này, nhưng dường như các biến cố ấy đã được
chọn cho phù hợp với các bản văn ngôn sứ mà truyện được xây dựng xoay
quanh. Các sấm ngôn này đều có một đăc điểm chung là nhấn mạnh trên một
hoàn cảnh địa dư. Trong chương này, chúng ta lại có thể phân biệt ra hai
khối, nhưng khối thứ nhất được liên kết với khối thứ hai bằng nhiều từ
móc, và nếu không có khối thứ nhất, thì không thể hiểu được khối thứ
hai:
- 2,1-12:
Truyện kể nhiều chi tiết; những nhân vật chính là các nhà chiêm tinh;
ngôi sao là phương tiện Thiên Chúa dùng để hướng dẫn các vị này.
- 2,13-23:
Ít chi tiết kể truyện, và chỉ nhắm cho thấy các bản văn ngôn sứ được
hoàn tất; nhân vật chính là Giuse (không hề được nhắc tới trong phân
đoạn trước); Giuse được thiên thần Chúa ban lệnh trong mộng (y như trong
1,18-25).
Về phương diện truyện kể, vua Hêrôđê là sợi dây liên kết hai phân đoạn.
Chương 2 đưa vào một đề tài quan trọng của TM Mt:
người Do Thái khước từ ơn cứu độ Đức Kitô ban tặng, còn Lương dân thì
đón nhận. Vua Hêrôđê, hoàng tử Áckhêlao và dân chúng Giêrusalem tượng
trưng cho người Do Thái; các nhà chiêm tinh tượng trưng cho Dân ngoại.
Dân ngoại sẽ chiếm chỗ mà người Do Thái bỏ trống trong lòng dân Thiên
Chúa, khi họ không chịu tin. Dân ngoại sẽ là dân Israel chân chính của
thời đại cuối cùng, được kêu gọi chia sẻ hạnh phúc của cuộc sống tương
lai. Hai chuyển động tương phản này chạy xuyên suốt cả chương 2 cũng như
xuyên suốt cả Tin Mừng cho đến cuộc Khổ nạn (x. 27,39-44.54). Nhìn như thế, có thể nói truyện các nhà chiêm tinh tóm tắt toàn thể TMMt.
Về
việc các nhà chiêm tinh đến Bêlem, chúng ta có thể đặt ra nhiều câu hỏi
không dễ trả lời: Các ngài từ đâu đến? Các ngài đã thấy xuất hiện ngôi
sao gì? Làm thế nào mà các ngài nhận ra đó là ngôi sao của Đấng Mêsia?
Tại sao vua Hêrôđê không xử sự theo cách hợp lý hơn?
Cũng như trong nhiều đoạn khác của Tin Mừng,
thay vì đặt ra những câu hỏi về những chuyện không được nói tới, chúng
ta nên để ý đến những gì đã được nói ra. Sau khi bảng gia phả đã cho
thấy Đức Giêsu cắm rễ trong lịch sử dân Israel, và bản văn về nguồn gốc
đích thực của Người đã chỉ nói đến những người có liên can trực tiếp, ở
đây tác giả giúp chúng ta nhìn xem cách tiếp đón Đức Giêsu của những
người mà vì họ Đức Giêsu đã đến. Tác giả không nêu ra một hành động nào
của Hài Nhi, Đức Maria và Giuse. Những nhân vật hành động là Thiên Chúa
và người ta, và đều nhắm tới Hài Nhi. Trong quan hệ với Hài Nhi, ta phân
biệt ra ba nhóm người: các nhà chiêm tinh, các kinh sư và vua Hêrôđê.
Hoạt động công khai của Đức Giêsu và lời loan báo hậu Phục Sinh về Đấng
chịu đóng đinh và phục sinh cũng được vây quanh bởi những hạng người như
thế. Nhận biết trong niềm vui, lãnh đạm không quan tâm và bách hại liên
tục, ba yếu tố này đi theo mọi giai đoạn của cuộc đời Đức Giêsu.
2/ Bố cục
Bản văn này có thể được chia ra làm hai phần, với một đoạn Mở:
1/ Mở (cc. 1-2): Giới thiệu các nhân vật và hoàn cảnh, với câu hỏi mở đầu của các nhà chiêm tinh.
2/ Phần 1 (cc. 3-9a): Gặp gỡ Hêrôđê, vị vua “giả hiệu” của người Do Thái. Cốt lõi là sấm ngôn về Đấng Mêsia.
3/ Phần 2 (cc. 9b-12): Gặp gỡ Ấu Vương “chân chính” tại Bêlem. Cốt lõi là hành vi tôn thờ Đấng Mêsia.
3/ Vài điểm chú giải
- Bêlem (Bêthlehem) miền Giuđê (1):
Bêlem (Bêthlehem) có nghĩa là “nhà bánh mì”, hoặc cũng có thể là “nhà
của thần Lah(a)mu” (thần của dân Akkad). Thành này cách Giêrusalem 7 cây
số về phía nam, là quê hương của Bôát, của Isai (Giêsê), và nhất là của
vua Đavít (x. 1 Sm 16; 20,6). Xem Lc 2,4.11; Ga 7,42. Tác giả nói rằng Bêlem thuộc miền Giuđê không chỉ là vì trong Cựu Ước, có một Bêlem thuộc Dơvulun (x. Gs
19,15), nhưng là vì ngài còn lặp lại (c. 5; x. c. 6) nhằm nêu bật chủ
đề của ngài: Đức Giêsu, vua người Do Thái, xuất thân từ miền Giuđê, và
cũng tại Giuđê mà Người sẽ bị giết.
- Vua Hêrôđê (Cả):
Vua này cai trị miền Giuđê (năm 37-4 tCN). Bởi vì ông xuất thân từ miền
Iđumê, ở về phía nam xứ Giuđê, và ủng hộ nền văn hóa Hy Lạp, nên ông bị
người Do Thái ghét bỏ, cho dù ông đã cho sửa lại Đền Thờ thật huy
hoàng. Đến cuối đời, ông thường rơi vào trạng thái kinh hoàng, nên chỉ
một chút nghi ngờ, là có thể hạ lệnh tàn sát, dù là tàn sát cả gia đình
ông. Khi ông qua đời, nhiều tai ương đổ xuống trên xứ, đặc biệt là một
cuộc suy sụp về kinh tế. Do đó, đất nước đầy những nhóm người bất mãn và
nổi loạn.
- Đức Giêsu ra đời:
Cộng đoàn tín hữu tiên khởi lúc đầu không có thứ lịch như ngày nay đang
được sử dụng hầu như khắp nơi: chia thành hai phần trước và sau cuộc
chào đời của Đức Giêsu. Thời ấy, người ta tính năm dựa theo các Đại hội
thế vận Hy Lạp (Đại hội đầu tiên được tổ chức năm 776 tCN), hoặc dựa
theo năm thành lập thành Rôma (ngày 21-4-753 tCN), hoặc dựa theo những
hoàng đế cai trị ở Rôma. Sau một thời gian, các Kitô hữu có thói quen
tính thời gian khởi đi từ hoàng đế Điôclêtianô (284-305 CN), ông này đã
bách hại họ tàn khốc, và họ gọi thời này là kỷ nguyên các thánh tử đạo.
Kiểu lịch chúng ta đang sử dụng hiện nay là do văn sĩ Denys le Petit xác
định, ông này sống tại Rôma vào tiền bán thế kỷ VI (mất trước năm 555).
Để cho những năm cứu độ không phải gọi bằng tên của bạo chúa bách hại,
Denys thay thế kỷ nguyên các thánh tử đạo bằng kỷ nguyên Đức Kitô. Ông
là người đầu tiên cho kỷ nguyên Kitô giáo khởi đầu với cuộc chào đời của
Đức Kitô, mà theo các tính toán của ông, ngày ấy là ngày 25 tháng 12
năm 753 sau khi Rôma được thành lập. Theo TM Mt, “Đức
Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì” (2,1), mà
chúng ta biết rằng vua Hêrôđê qua đời vào năm 750 của thành Rôma. Như
vậy, cuộc chào đời của Đức Giêsu phải được đẩy lùi lại 6 hoặc 7 năm: hẳn
là Đức Giêsu đã ra đời vào thời gian giữa năm 8 và 6 tCN.
- mấy nhà chiêm tinh (HL. magos):
Đây là những vị hiền giả Đông phương, thông thạo chiêm tinh. Rất có thể
họ là những nhà chiêm tinh Babylon, đã được tiếp xúc với trào lưu chờ
đợi Đấng Mêsia nơi dân Do Thái. Có thể họ sống bên kia bờ sông Giođan,
nên có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với thế giới Do Thái. Dưới ảnh hưởng
của Tv 72,10; Is 49,7; 60,10, truyền thống sau này đã
nghĩ rằng họ là những vị vua. Bởi vì có ba loại lễ vật, người ta cho
rằng họ là ba vị (thế kỷ V), và còn gán cho các vị ấy tên Gaspar,
Balthasar và Melchior (thế kỷ VIII). Sang thế kỷ XIV, ông Gaspar được
coi là một người da đen…
- chúng tôi đã thấy vì sao (2):
Vào thời thượng cổ, người ta thường cho rằng cuọc chào đời của các nhân
vật quan trọng được loan báo bởi các ngôi sao mới. Các nhà chiêm tinh
cho rằng họ có thể đoán được vận mệnh của người ta nhờ quan sát chuyển
động của các tinh tú. Do Thái giáo cũng nối kết niềm hy vọng thiên sai
vào ngôi sao được nói tới ở sách Dân số (24,17). Có thể nói, vào thời Đức Giêsu và các Tin Mừng, ngôi sao là hình ảnh ưu tiên để tượng trưng Đấng Mêsia, đặc biệt Đấng Mêsia vương giả, xuất thân từ nhà Đavít.
- xuất hiện (2):
Người ta đã tìm cách xác định ngôi sao ấy là một hiện tượng thiên văn
hay là một ngôi sao chổi. Thật ra nỗ lực này cũng không đưa đến đâu, bởi
vì hoặc tác giả Mtmuốn kể lại một hiện tượng lạ lùng duy nhất trong lịch sử, hoặc chi tiết này chỉ là một đặc điểm văn chương, được gợi hứng bởi Kinh Thánh, nhưng không có hiện tượng tương ứng thế giới vật lý, nên cố gắng tìm ra một giải thích tự nhiên đều là chuyện vô ích.
- Cả thành Giêrusalem (3):
Đây là một kiểu nói phóng đại, như để báo trước việc toàn dân Do Thái
loại trừ Đức Giêsu (x. 21,10). Một sự tương phản đáng kinh ngạc: những
người ngoại giáo, được hướng dẫn bởi những kiến thức hời hợt, pha trộn
mê tín dị đoan, đã đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa, thực hiện một hành
trình và điều tra kỹ lưỡng, để có thể bái kiến vị tân vương; ngược lại,
các nhà lãnh đạo Do Thái có ánh sáng Kinh Thánh, lại chỉ phản ứng bằng sự sợ hãi và vô tâm (cc. 4-6).
- Các thượng tế (archiereis, 4): Archiereis đây là các thành viên của các gia đình mà vào lúc quy định nào đó, vua Hêrôđê có thể chọn ra người mà bổ nhiệm làm thượng tế.
- kinh sư trong dân (4): dịch sát grammateis tou laou là “các kinh sư của dân chúng”: một kiểu nói phóng đại.
- Phần ngươi, ngươi đâu phải (6): Câu trích này là một tổng hợp Mk 5,1-3 với 2 Sm
5,2 theo cách rất độc đáo, không tương ứng với bản văn Cựu Ước Híp-ri
lẫn Hy Lạp. Tác giả đã đưa những thay đổi đó vào với mục tiêu huấn giáo.
Đặc biệt, với trạng từ oudamôs (Pháp: pas du tout; Anh: by no means) thêm vào bản văn Mikha, ngài cho thấy ngài chú tâm đọc Cựu Ước
dưới ánh sáng của đức tin Kitô giáo của ngài: sau khi Đức Giêsu đã chào
đời, Bêlem không còn có thể là một thành không đáng kể nữa. Nghịch lý
lạ lùng: các kinh sư loan báo nơi Đấng Mêsia chào đời cho những người
ngoại giáo (dù sao, họ cũng vẫn là những cái máng chính thức truyền đạt
mạc khải mà!), thế mà họ lại không thể nhận ra được Người!
- mừng rỡ vô cùng (10): Niềm vui của các nhà chiêm tinh được nhấn mạnh (so với Lc 2,10). Trong TM Mt,
đây là niềm vui của những quốc gia ngoại giáo đã khám phá ra nơi Đức
Giêsu ơn cứu độ họ vẫn trông chờ cách mơ hồ. Đối lại với niềm vui này là
sự bối rối hoang mang của vua Hêrôđê và thành Giêrusalem, cũng như sau
đó là cơn giận dữ điên cuồng của nhà vua (c. 16). Cũng có thể so sánh
niềm vui lớn lao của các phụ nữ vào sáng ngày Phục Sinh (28,8) với cơn
kinh hoàng của đám lính canh khiến họ ra như chết (28,4).
- Họ vào nhà (11):
Tác giả nối kết chặt chẽ niềm vui của những người ngoại giáo và việc họ
đi vào “nhà”, là hình ảnh báo trước Giáo Hội, nơi người ta gặp được Đức
Kitô và bái thờ Người.
- hài nhi và thân mẫu:
Công thức này được nhắc lại ở các câu 13, 14, 20 và 21, là do tác giả
cố tình chọn để nhắc lại cuộc sinh hạ do mẹ đồng trinh (1,18-25).
- sấp mình thờ lạy (= bái lạy: cc. 2.8.11): “Bái lạy” hay “sấp mình thờ lạy” (proskyneô) được tác giả Mt
dùng động từ này 13 lần (toàn Tân Ước: 57 lần). Đây là hành vi sấp mình
trên nền nhà để tôn thờ thần thánh hoặc những người có địa vị cao,
chẳng hạn các vua. Tác giả Mt hầu như chỉ dùng động từ này để
diễn tả lòng tôn kính đối với Đức Giêsu bởi những người khẩn cầu (8,2;
9,18; 15,25; x. 20,20) và bởi các môn đệ (14,33: liên kết với việc tuyên
xưng niềm tin vào Con Thiên Chúa), đặc biệt dành cho Đấng Phục Sinh
(28,9.17).
- lấy vàng, nhũ hương, mộc dược mà dâng tiến: Sau khi bái lạy một vị vua, thường có việc dâng lễ vật (x. St 43,26; 1 Sm 10,27; 1 V 10,2; Tv 72,10). Ba thứ lễ vật này đều xứng đáng với một vị vua: x. Tv 72,15 (vàng); Is 60,6 (vàng và nhũ hương); Tv 45,8 (xức mộc dược cho vua); Dc
3,6 (nhũ hương và mộc dược). Truyền thống các Giáo Phụ coi các lễ vật
này là những biểu tượng về vương quyền (vàng), thần tính (nhũ hương) và
việc mai táng (mộc dược) của Đức Giêsu.
4/ Ý nghĩa của bản văn
* Giới thiệu các nhân vật và hoàn cảnh, với câu hỏi mở đầu của các nhà chiêm tinh (1-2)
Chỉ
trong một câu duy nhất, tác giả đã giới thiệu được khung cảnh địa lý,
hoàn cảnh chính trị, và các nhân vật sẽ được đề cập đến trong bản văn.
Chủ đề của chương 2, “vương quyền của Đấng Mêsia”, đã được gián tiếp gợi
lên qua tước hiệu “vua” gán cho Hêrôđê, một danh từ liên tục được nhắc
lại suốt bài này.
Chủ
đề lại được nêu lên trong câu hỏi của các nhà chiêm tinh (c. 2). Các vị
này là những nhà chiêm tinh văn, chứ không phải là “vua”. Đặc biệt
trong môi trường Mêsôpôtamia, hai ngành thiên văn và chiêm tinh đã có từ
lâu đời và rất được trọng dụng. Các biến cố xảy ra trên bầu trời và
trong thế giới loài người được coi là có liên hệ chặt chẽ với nhau.
Người ta xác tín rằng ai hiểu các hiện tượng của bầu trời thì cũng hiểu
lịch sử loài người và có thể ban các lời khuyên và những định hướng về
lịch sử này. Các nhà chiêm tinh này có khả năng giải thích các giấc mộng
và thấy trước tương lai bằng cách nhìn xem các vì tinh tú và quan sát
cánh chim bay. Các vị cũng có khả năng biện phân ra ý muốn của Thiên
Chúa.
Tuy
nhiên, làm thế nào mà các nhà chiêm tinh vừa ngoại quốc vừa ngoại giáo
lại có thể đi tìm vua dân Do Thái như thế, trên đất Paléttina? Vào thời
cổ, có một niềm tin nói rằng cuộc chào đời của một nhân vật quan trọng
sẽ được báo cho biết bởi một ngôi sao trên trời. Trong lãnh vực nghiên
cứu của họ, các nhà chiêm tinh nhận được một thông tin cho biết Đấng
Mêsia đã chào đời và họ được thúc đẩy lên đường. Các nhà chiêm tinh đã
thấy ngôi sao được Kinh Thánh nhắc tới, chứ không phải là một ngôi sao
chổi hay một ngôi sao nào trong bầu trời vật lý. Các vị biết rằng, một
đàng, Ds 24,17 khẳng định về Đấng Mêsia xuất thân từ nhà Giacóp, đàng khác, có một truyền thống song song, dựa trên Ds24,7
(bản dịch Hy Lạp LXX), khẳng định rằng Đấng Mêsia sẽ trị vì trên nhiều
dân tộc. Các vị biết rằng dân Do Thái đang chờ đợi Đấng Mêsia. Từ thời
Lưu đày Babylon, đã có nhiều người Do Thái sống trên đất Mêsôpôtamia;
nhờ họ, người ta biết tôn giáo và các niềm chờ mong Do Thái.
Khi kể câu truyện Các nhà chiêm tinh, tác giả Mátthêu
không quan tâm đến cuộc hành trình của các vị ấy; ngài chỉ chú ý đến
cuộc đối đầu của các vị ấy với vua Hêrôđê. Ngài cũng muốn nói với chúng
ta rằng cuối cùng Đấng giải phóng nhà Giacóp đã tới. Các nhà chiêm tinh
nhận ra Người và thờ lạy Người. Đức Giêsu chính là ngôi sao ấy. Chúng ta
đọc diễn tiến câu truyện.
Đến
Giêrusalem, các vị ấy tưởng là đã đạt mục tiêu, nhưng lại được gửi đi
đến một nơi khác. Nhưng bây giờ các vị ấy đã biết mục tiêu cách chính
xác hơn. Các kinh sư là những chuyên viên Kinh Thánh (x. 23,2t), đã có
thể suy ra là Đấng Mêsia chào đời tại Bêlem xứ Giuđê. Trong Mk
5,1-3, Đấng Mêsia được giới thiệu như là Thủ Lãnh và Mục tử của dân
Israel. Người sẽ chỉ cho dân Người biết con đường ngay thẳng và sẽ lo
lắng chăm sóc họ, như một mục tử săn sóc các chiên mình. Chúng ta lưu ý
là các nhà chiêm tinh hỏi nơi sinh của “vua dân Do Thái”, chứ không phải
là “vua Israel”. Các kinh sư của dân (Mt 2,4) được Đấng Mêsia
đến chiếu cố, đã ở lại Giêrusalem; trong khi đó, các nhà chiêm tinh, là
những người ngoại giáo, đã kiên trì theo đuổi mục tiêu, họ tiếp tục cuộc
hành trình.
Hai
phần sau đây tương ứng với hai “chương trình xung đột” (cũng có trong
cc. 13-23) tác giả muốn tường thuật: sự đối lập giữa hai nơi,
Bêlem/Nadarét và Giêrusalem; một bên là chiến lược của vua Hêrôđê tại
Giêrusalem, bên kia là chiến lược của Thiên Chúa; vua Hêrôđê không những
đối lập với Đức Giêsu, mà cũng đối lập với các nhà chiêm tinh nữa. Sự
đối lập giữa hai vị vua được nêu bật bởi ngôi sao: ngôi sao không được
nhắc đến ở Giêrusalem, nhưng dẫn đường cho các nhà chiêm tinh sau khi họ
rời Giêsusalem.
* Gặp gỡ Hêrôđê, vị vua “giả hiệu” của người Do Thái (3-9a)
Sự việc xảy ra ở đền vua Hêrôđê gián tiếp giới thiệu Đấng Mêsia vương giả bằng câu sấm Mk 5,1-3 kết hợp với 2 Sm
5,2. Bây giờ vua Hêrôđê và “cả thành Giêrusalem” được đặt trong thế đối
lập với các nhà chiêm tinh. Phản ứng bối rối dao động của họ là một
bằng chứng cho thấy họ hiểu tính nghiêm trọng của hoàn cảnh. Vua Hêrôđê
và toàn dân Giêrusalem thuộc nhóm loại trừ vị tân ấu vương.
Một
vài điểm không thật (vua Hêrôđê và dân Giêrusalem không ưa gì nhau nên
hẳn là dân chúng hẳn phải vui mừng khi biết Đấng Mêsia vừa chào đời thì
mới hợp lý – Nhà vua phải hỏi về nơi Đấng Mêsia sinh ra, mà nơi này thì
mọi người đều biết, vậy mà không một ai tò mò đi với các nhà chiêm tinh
đến Bêlem cả – Vua Hêrôđê triệu tập toàn thể Thượng Hội Đồng Do Thái chỉ
để xin một thông tin – Ngôi sao chỉ đúng nhà của Đức Giêsu – Dân cư
Giêrusalem “xôn xao”…) khiến nhiều tác giả cho rằng đây chỉ là một sáng
tác văn chương mà thôi. Nhưng dù được tưởng tượng hay không, câu chuyện
này minh họa thật rõ việc dân Do Thái loại trừ Đức Giêsu và Dân ngoại
đón tiếp Người. Đối với tác giả Mt, Giêrusalem là thành sẽ xảy
ra cuộc đónh đinh; dân Giêrusalem là những người sẽ nói về cuối quyển
Tin Mừng, “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi”
(27,25). Sự bối rối của vua Hêrôđê và dân Giêrusalem ở đây báo trước
thái độ thù nghịch trong cuộc Thương Khó (x. 27,11.29.37.42). Ở đây, vua
Hêrôđê, các thượng tế và kinh sư đã hiểu “Vua dân Do Thái” chính là
“Đấng Kitô [Mêsia]”.
Câu trả lời về “Đức Vua dân Do Thái” là câu trích Mk
5,1, nhưng tác giả đặt trên môi các kinh sư, chứ không dùng công thức
về hoàn tất Lời Chúa. Câu này cung cấp một nền móng Cựu Ước cho khởi đầu
cuộc đời của Đức Giêsu về mặt lịch sử và tiểu sử. Nhưng đây không phải
là điều ngài quan tâm đầu tiên. Điều ngài chú ý hơn, đó là dùng hai lần
từ “Giuđa” và thêm 2 Sm 5,2 (x. 1 Sbn 11,2) vào với từ móc laos
(“dân chúng”) để khẳng định quan điểm chống Do Thái của ngài: các kinh
sư Do Thái nhìn nhận rằng đây là vấn đề về vị mục tử thiên sai vẫn từng
mong đợi của dân Thiên Chúa là Israel, nhưng họ không rút ra các hệ
luận; vì vậy họ gián tiếp trở thành đồng lõa của vua Hêrôđê.
Thế
là vua Hêrôđê “hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện”. Câu 7 này
đưa chúng ta đến với câu 16 được viết tương tự. Độc giả có linh cảm một
chuyện chẳng lành sắp xảy ra, khi thấy nhà vua hỏi chi tiết về nơi Hài
Nhi ở. Câu trả lời chính là sự tàn bạo bí hiểm của nhà vua được chứng tỏ
sau đó. Câu 8 lại cho độc giả nhận ra nhà vua là một kẻ đạo đức giả.
Đồng thời, nền tảng của c. 12 được cung cấp: vua Hêrôđê muốn kéo các nhà
chiêm tinh vào trò chơi của ông; nhưng ý định xấu xa của ông sẽ bị
Thiên Chúa can thiệp tiêu hủy.
* Gặp gỡ Ấu Vương “chân chính” tại Bêlem (9-12)
Các
nhà chiêm tinh ra đi ngay ban đêm, không phải vì đó là thói tục của
Đông phương, nhưng để tác giả lại có cơ hội nói về ngôi sao. Tại đây,
độc giả lại nhận ra Thiên Chúa ra tay hướng dẫn toàn thể biến cố, và
được mời gọi chia sẻ niềm vui chan hòa các nhà chiêm tinh đang trải
nghiệm.
Chủ
đề của bài Tin Mừng được trình bày rõ ràng qua việc các nhà chiêm tinh
bái lạy Hài Nhi Giêsu và dâng các lễ vật (c. 11). Đây mới là vị vua chân
chính mà muôn dân vẫn trông đợi, dù tước “vua” không hề được dùng mà
gọi Người. Nhưng chủ đề “vị vua thật” chạy xuyên suốt bản văn do các từ
ngữ (“Vua dân Do Thái”: c. 2; “vì sao của Người”: cc. 2.7.9.10; “vua
Hêrôđê: c. 3; “Hêrôđê”: cc. 7.12; “bái lạy”: c. 8; “nhà vua”: c. 9) và
các cụm từ (“vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra
đời”: c. 6; “sấp mình thờ lạy”: c. 11; “lấy vàng, nhũ hương, mộc dược mà
dâng tiến”: c. 11)[1] liên hệ.
Các nhà chiêm tinh, là những người khôn ngoan và giàu kinh nghiệm, đã phủ phục (proskyneô)
trước Hài Nhi, một trẻ sơ sinh không hề tỏ ra có chút uy hùng hay quyền
lực gì. Đây là cách người Đông phương nhìn nhận Đấng có quyền trên
mình, mình lệ thuộc phần nào hay hoàn toàn vào đấng ấy (là vua chúa hay
thần linh). Nhưng chúng ta nhớ Đức Giêsu đã được giới thiệu là “con cháu
vua Đavít” (1,1), “Con Thiên Chúa” (x. 1,21; 2,15) và Emmanuel (1,23).
Hài Nhi không nói gì với các vị ấy và cũng chẳng cho các vị ấy món gì
cả. Các vị không thấy vẻ huy hoàng chúa tể của Người, cũng chẳng trải
nghiệm về quyền lực của Người, nhưng các vị nhận biết Người nhờ lòng
tin. Tác giả bỏ qua ông Giuse để nêu bật địa vị đặc biệt của bà Maria
theo chiều hướng của Mt 1,18-25. Các lễ vật quý giá (vàng, nhũ
hương và mộc dược) các vị dâng là một dấu chỉ khác chứng tỏ các vị nhìn
nhận Hài Nhi là Chúa tể.
Chủ
đề được khóa lại với tên “Hêrôđê”, vị vua đương trị, được nhắc lại lần
nữa và với việc các nhà chiêm tinh từ biệt Hài Nhi. Vua Hêrôđê đã muốn
nối kết các nhà chiêm tinh vào các kế hoạch của ông, và các kế hoạch này
là thế nào thì cuộc sát hại các hài nhi Bêlem sẽ cho biết; và hẳn là
các nhà chiêm tinh sẽ chịu cùng một số phận như các hài nhi. Tuy nhiên,
Thiên Chúa đã can thiệp, để đưa các nhà chiêm tinh về quê theo đường
khác.
+ Kết luận
Đọc
bài Tin Mừng này, chúng ta nhận ra có sự đối đầu của hai vương quyền,
vương quyền của Thiên Chúa và vương quyền của loài người. Bản văn cũng
nêu bật hai nỗi lo lắng: nỗi lo của những con người đói khát ơn cứu độ,
đang ra sức đi tìm; nỗi lo của con người sợ cuộc sống mình bị đặt thành
vấn đề. Hai bên đều tiến đi, để rồi đến cuối con đường, một bên được
hưởng niềm vui cứu độ, một bên co quắp lại trong thái độ thù nghịch. Chỉ
khi vương quyền của con người biết nhìn nhận mình phát xuất từ vương
quyền của Thiên Chúa, khi đó mới có sự “bình an dưới thế cho loài người
Chúa thương”.
5/ Gợi ý suy niệm
1/
Truyện này gây ra hai ấn tượng. Một bên, chúng ta muốn coi toàn bộ như
một huyền thoại: cuộc hành trình dài ngày của các nhà chiêm tinh, ngôi
sao dẫn đường, nỗi bối rối của nhà vua và toàn thể dân thành Giêrusalem,
mưu mô của vua Hêrôđê, cuối cùng lệnh của Thiên Chúa ban cho các nhà
chiêm tinh trong mộng, tất cả những nét này khiến chúng ta có ấn tượng
là truyện không thật. Nhưng ngược lại, nếu so sánh truyện này với những
gì ta biết về vua Hêrôđê và xứ Paléttina thời ấy, chúng ta lại phải nhìn
nhận truyện có màu sắc lịch sử: sự lưu tâm của các nhà chiêm tinh
phương Đông về một vị vua cứu thế và những cơn điên khùng bệnh tật của
vua Hêrôđê hoàn toàn phù hợp với truyện. Nhưng “đúng” không nhất thiết
là “thật” về lịch sử. Cho dù các biến cố đã xảy ra thật, các truyện
trong chương 2 Mt cũng không mang tính lịch sử theo nghĩa hẹp. Dường như tác giả đã sử dụng thể văn midrash haggada
để giải thích các sự kiện có thật hầu rút ra một áp dụng Kinh Thánh, để
đi tới việc ca tụng Thiên Chúa, khám phá ra một mạc khải về những
chương trình của Thiên Chúa trong quá khứ và cho tương lai, nhằm xây
dựng cọng đoàn.
2/
Có những điểm “khôi hài” trong bài: Sự khôn ngoan của Dân ngoại mà
người Do Thái vẫn loại trừ hoặc khinh bỉ cũng có thể đưa người ta đến
với Đức Kitô. Đấy là khi các nhà chiêm tinh đến đền vua Hêrôđê và hỏi về
nơi trú ngụ của “Đức Vua mới sinh”. Đàng khác, chính một vị vua gian ác
ngoại quốc (vì Hêrôđê thuộc gốc dân Iđumê) cũng có thể trở thành trung
gian cung cấp cho người ta những thông tin chính xác. Đấy là khi vua
Hêrôđê triệu tập các thượng tế và kinh sư lại để hỏi cho biết Đấng Kitô
sinh ra ở đâu.
3/
Có hai chuyển động ngược chiều trong bài: Vua Hêrôđê càng ngày càng co
quắp lại trong thái độ cứng tin và từ khước, và cùng với nhà vua là
Thượng Hội Đồng Do Thái và dân Giêrusalem, còn các nhà chiêm tinh thì đã
từ những bước mò mẫm mơ hồ đi đến chỗ bày tỏ tất cả lòng tin kính đối
với Đấng Mêsia. Vì thế sau đó, các vị “đã đi lối khác mà về xứ mình” (c.
12). Cũng nên dừng lại suy nghĩ về lối ứng xử của các kinh sư: họ đã có
thể trích và giải thích đúng Kinh Thánh, nhưng họ không hề lên đường.
Thánh Âutinh bảo rằng họ là “những cột cây số”; họ chỉ đúng đường, nhưng
họ không di chuyển!
4/
Các nhà chiêm tinh đã nhận được sự thúc đẩy đầu tiên khi nghiên cứu
thiên văn. Đến Giêrusalem, các vị lại nhận được một thông tin chính xác
hơn rút từ Kinh Thánh. Các vị đã can đảm lấy quyết định lên đường và cứ
dò dẫm từng bước, và Thiên Chúa đã dẫn dắt các vị đạt tới mục tiêu bằng
“ngôi sao” dẫn đường. Bởi vì các vị không kháng cự lại và không quản
ngại mệt nhọc, trái lại đã chấp nhận được hướng dẫn, các vị đã vui sướng
đạt tới mục tiêu. Thiên Chúa luôn đáp ứng những ai tha thiết tìm ơn cứu
độ, dù đôi khi người trong cuộc cảm thấy đường đi không rõ và mục tiêu
mịt mù.
5/
Các nhà chiêm tinh không thấy vinh quang hay uy quyền của Hài Nhi
Giêsu, nhưng các vị đã bái lạy mà nhìn nhận Người là Chúa tể, là Đức Vua
và vị Mục Tử của Dân ngoại, vì các vị tin. Đức tin cần thiết cho từng
bước đi tới chỗ nhận biết Đức Chúa, ở đây được các nhà chiêm tinh diễn
tả ra trong tình trạng tinh trong. Dựa vào ba lễ vật, qua các thời đại,
người ta đã tưởng tượng là có ba nhà chiêm tinh, có tên rõ ràng, một vị
trẻ tuổi, một vị đứng tuổi và một vị đã già; một vị là người châu Á, một
vị là người châu Âu và một vị châu Phi. Cách làm này không tương ứng
với chữ viết của bản văn nhưng phù hợp với tinh thần của Tin Mừng. Tất
cả các lứa tuổi và con người của mọi châu lục đều đạt tới mục tiêu khi
gặp Hài Nhi này, nhất là khi nhìn nhận Người là Đức Vua và Đức Chúa của
họ. Người đã đến cho mọi người, cho người trẻ cũng như cho người già,
cho người thông thái cũng như người chất phác ít học, cho mọi màu da và
mọi lối sống, để giúp họ nhận biết Thiên Chúa là Cha và đưa vào cuộc đời
họ một ánh sáng chói chan. Như các nhà chiêm tinh, loài người không
được để mình đi trệch đường về với Đức Giêsu, mà phải để cho Thiên Chúa
hướng dẫn, cho đến khi tới đích.
6/
Phải chăng nên gỡ bỏ các ngôi sao tại các máng cỏ? Không cần! Chúng ta
cứ việc ngắm nhìn ngôi sao ấy, cứ chỉ cho các con em thấy, nhưng bảo các
em rằng ngôi sao đích thật là Đức Giêsu. Người chính là ánh sáng soi
chiếu mọi dân tộc. Cũng giải thích cho chúng biết rằng các nhà chiêm
tinh là đại diện cho các dân tộc trên thế giới đang để cho sứ điệp hòa
bình và tình yêu của Đức Giêsu hướng dẫn. Họ chính là hình ảnh của Hội
Thánh, được tạo nên do các dân tộc thuộc mọi giống nòi và mọi ngôn ngữ.
Trở nên một thành viên của Hội Thánh không có nghĩa là đánh mất hoặc bỏ
đi chân tính của mình, không có nghĩa là phải quy phục một thứ “đồng
nhất” giả tạo và bất công. Các dân tộc cần phải duy trì nền văn hóa của
họ và làm giàu cho Hội Thánh bằng nền văn hóa riêng này.
[1] Chúng tôi ghi nhận theo bản văn Hy Lạp.
Chú giải của Noel Quesson
Khi Đức Giêsu ra đời lại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì.
Đó
chỉ là những từ duy nhất, rất ngắn ngủi mà Matthêu dùng để nói về lễ
Giáng sinh. Ít thật! Thực sự, Matthêu có vẻ chú ý quá ít đến biến cố đơn
thuần, khác với Luca. Trái lại, một cách rõ rệt, Matthêu chủ ý trình
bày với các độc giả của mình ý nghĩa của sự sinh ra. Và ông cho họ hiểu ý
nghĩa trong câu truyện này về các nhà chiêm tinh… chính câu truyện được
triển khai tối đa, và được trình bày, nếu chúng ta lưu ý, như một thứ
dẫn nhập cho toàn bộ Tin Mừng theo Thánh Matthêu.
Thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ Phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?”
Matthêu
so sánh, như hai chất nổ, hai danh hiệu:Vua Hêrôđê… vua dân Do Thái.
Câu hỏi này mà những người nước ngoài sắp nhắc lại trên các phố phường
chật hẹp ở Giêrusalem, đã vang đến tai những người Do Thái như một sự
mỉa mai cay độc. Người ta hiểu rằng nó cũng làm cho Hêrôđê vốn đa nghi
phải giao động. Qua lịch sử, người ta biết rằng cả đời ông bị ám ảnh vì
sợ mất quyền bính, và ông thấy chỗ nào cũng có âm mưu, nên chỉ luôn luôn
sống trong các thành lũy, và cho giết chết ba người con trai, bà mẹ vợ
và thậm chí chính người vợ riêng của mình.
Đấy
là về chuyện lịch sử. Nhưng ý nghĩa mà Matthêu dành cho danh hiệu “Vua
dân Do Thái” này lại sâu xa hơn nhiều; Nước Trời sẽ là một trong những
đề tài ông ưa thích. Matthêu, ngay từ đầu loan báo về Đức Vua của Vương
quốc này. Ngay trang đầu trong sách Tin Mừng của ông, có một vương miện
đang tranh chấp: ai thực sự là “vua” dân Do Thái? Hêrôđê, một nhà vua
chuyên chế, hiếu sát và tàn bạo? Hay là Giêsu, người bé nhỏ, yếu hèn,
không có vũ khí sẽ chết như nạn nhân vô tội? Chính ở trang cuối cùng
sách Tin Mừng của mình, theo một phương thức viết hàm ý quen dùng trong
văn chương Sê-mít, mà Matthêu đã đặt lại cho Đức Giêsu “Vua dân Do Thái”
này. Những binh lính sẽ nói “Ngự tâu, Vua dân Do Thái” (Mt 27,29).
Philatô sẽ cho ghi “Này là Vua dân Do Thái” ở trên đầu Đức Giêsu chịu
khổ hình thập giá, để chỉ rõ cái “lý do khiến người bị kết án” (Mt
27,37). Tất cả các kinh sư và đại giáo trưởng sẽ cười nhạo “Nếu y là Vua
dân Do Thái, thì y cứ xuống khỏi thập giá đi” (Mt 27,37).
Từ
khi sinh ra, Thánh Matthêu gợi ý, Đức Giêsu chỉ là một vua khiêm tốn,
hình ảnh của “Người đầy tớ chịu đau khổ” của Isaia vị vua này sẽ chỉ
cưỡi trên lưng lừa (Mt 21,5) trong cuộc khải hoàn chóng qua với những
tàu lá, vị vua đến không Phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ (Mt
20,28), và sẽ yêu cầu các bạn hữu của mình “đừng thống trị, mà hãy làm
cho mình trở thành những đầy tớ” (Mt 20,25-26). Vương quyền của vị vua
này không thuộc về thế gian này, nó không hề giống vương quyền của
Hêrôđê: nó chỉ được tiết lộ một cách nghịch lý trong ngày Người thụ nạn,
chúng ta sẽ hàm ý gì dưới những từ lặp lại trong lời kinh của chúng ta:
“Xin cho Nước Cha trị đến!”…Người trị đến với Chúa Cha và Chúa Thánh
Linh đến muôn muôn thế kỷ”.
Chúng tôi đã trông thấy vì sao của Người xuất hiện.
Ngày
nay, Giáo Hội so sánh câu truyện Hiển Linh này với bản văn của Isaia
được chọn lựa giữa vô số bản văn Kinh Thánh loan báo Đấng Mêsia đến như
một ánh sáng. “Hãy đứng lên hỡi Giêrusalem, ánh sáng của người đã đến và
vinh quang của Đức Chúa xuất hiện trên ngươi. Hãy nhìn xem: bóng tối
lại bao trùm mặt đất, nhưng Đức Chúa xuất hiện trên ngươi, và vinh quang
của Người chiếu tỏ trên ngươi. Các dân nước sẽ tiến về phía ánh sáng
của ngươi, và các vua, về phía luống sáng bình minh ngươi (Is 60,1-6)
Người ta nhớ lại ánh sáng của Đấng Cứu Độ được hát vào Mùa Vọng và trong
lễ đêm Giáng sinh: Người đi trong bóng tối đã trông thấy xuất hiện một
ánh sáng lớn lao, bởi vì một Hài Nhi đãsinh ra cho chúng ta” (Is 9,1-5).
Trong
chủ đề về ngôi sao, có cả một ý nghĩa mà Thánh Phêrô chỉ rõ khi người
nói về đức tin như “sao Mai xuất hiện trong lòng chúng ta” (2Pr 1,19).
Ngôi sao tượng trưng cho ánh sáng của Chúa, ân sủng của Chúa, tác động
của Chúa trong tâm trí của mọi người, và dẫn dắt mọi người hướng về Đức
Kitô. Vâng, Thiên Chúa nhìn ngắm với tình yêu những nhà chiêm tinh ngoại
giáo tiến về Đức Giêsu. Trong đời tôi, cũng có một ơn hướng dẫn tôi
khám phá ra Đức Giêsu. Tôi có can đảm đi theo ơn đó cho đến nơi mà ơn
huệ hướng dẫn tôi không? Xin hãy dẫn dắt con trong ánh sáng này một
bước, một bước, chỉ một bước hướng tới Chúa!
Và chúng tôi đến bái lạy Người.
“Bái
lạy”. Động từ này được Matthêu sử dụng ba lần trên trang này chỉ thái
độ sâu xa của các nhà chiêm tinh ngoại giáo này. Họ đến để thờ lạy. Còn
tôi? Đôi khi tôi có bái lạy không? Trước cái gì? Trước ai? Tôi gán cho
một ý nghĩa gì về việc bái lạy của tôi lúc dâng Thánh Thể trong thánh lễ
không? Nhiều bạn trẻ ngày nay, tìm lại được cái cử chỉ bái lạy lớn lao,
ở đó có người nhận biết sự bé mọn của mình, đã hoàn toàn phục dài trên
mặt đất trong lòng tôn thờ của tất cả vạn vật.
Nghe
tin ấy vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. Nhà vua
liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân Israel lại.
Giữa
câu truyện Hiển Linh, Matthêu đưa ra hai thái độ mà cháng ta luôn luôn
thấy lại trong sách Tin Mừng cha ông: “Một đàng là sự khước từ của các
lãnh tụ chính trị và tôn giáo Do Thái. Đáng lẽ họ phải là những người
đầu tiên nhận ra Đấng Mêsia Thế mà, họ làm gì? họ sợ hãi, họ lo âu. Họ
không động tĩnh. Ngay từ đầu họ tìm giết Đức Giêsu. Người ta tưởng đã
nghe thấy tiếng kêu buồn rầu to lớn Đức Giêsu thốt ra về Giêrusalem:
“Khốn thay! Các kinh sư và các Pharisêu… Hỡi Giêrusalem! Giêrusalem!
Ngạo giết chết những người ta sai đến với ngươi bao nhiêu lần ta đã muốn
tập hợp các con cái ta! Và các người đã không muốn” (Mt 23,27-37).
Đàng
khác, trái lại, sự “đón tiếp” của những nhà chiêm tinh ngoại giáo. Dù
không được chuẩn bị bao nhiêu để nhận biết Đấng Mêsia, chính họ lại đi
tìm kiếm Người, họ năng động, và không chút lo âu, họ cảm thấy “một nỗi
vui mừng lớn lao Người ta tưởng chừng nghe thấy câu kết luận của sách
Tin Mừng Matthêu: Các ông hãy đi và hãy làm cho tất cả các dân nước trở
thành môn đệ (Mt 28,19).
Thực
ra, trang Tin Mừng này, trong những thế kỷ đầu tiên, được dành để cố
giải thích cho các Kitô hữu gốc Do Thái (Matthêu muốn nói trực tiếp cho
chính họ) hiểu tại sao Giáo Hội gồm có đa số là những Kitô hữu gốc ngoại
giáo khi mà Thiên Chúa lại gắn bó quá mạnh mẽ với Do Thái. Mátthêu,
chứng minh, nơi Giêsu. một Đấng Cứu Độ được mong đợi. Người đến vì tất
cả mọi người: và nước Do Thái mới gồm có những người Do Thái hay ngoại
giáo, bái lạy trước Đức Giêsu. Điều đó được tất cả những lại phát ngôn
“có tính chất phổ độ” loan báo trước: Giêrusalem phải trở nên kinh đô
của tất cả các dân tộc. “Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Mađian và
Êpha: tất cả những người từ Saba kéo đến, đều mang theo vàng với trầm
hương, và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa” (Is 60,1-6). Người ta nhớ
đến, bên Israel. nữ hoàng Saba, đến từ xa, bà đã lên Giêrusalem để gặp
gỡ Salômôn. Thánh Vịnh 71, được hát ngày lễ Hiển Linh, lặp lại cùng một
chủ đề của phần mở đầu: “Các vua xứ Tacsi và các hải đảo sẽ mang các
tặng phẩm đến”. Và cũng chính Matthêu sẽ nói lại trong sách Tin Mừng của
ông rằng các dân tộc “sẽ đến từ Phương Đông và Phương Tây, an phần vào
bữa tiệc với Abraham” (Mt 8,11). Một lần nũa, người ta thấy sách Tin
Mừng này được cấu tạo như thế nào. Vâng, các “nhà chiêm tinh” tượng
trưng cho tất cả những người ngoại giáo (và những người không tin) ở mọi
thời đại Và trong những từ này, chúng ta không đưa vào đó một ý nghĩa
xấu nào cả. trái lại!trong số các bạn bè của chúng ta, có đông người như
thế, tất cả những người này hoàn toàn chân thành trong các xác tín của
họ, họ có một cuộc sống ngay thẳng, có một ý thức về công lý, và về việc
phục vụ tha nhân, họ có một đời sống gia đình gương mẫu, và làm trọn
một cách hoàn hảo những nghĩa vụ nghề nghiệp của họ. Dẫu vậy, họ không
biết Đức Giêsu Kitô theo nghĩa mạnh.
Lễ
Hiển Linh là lễ của tất cả những người không biết Đức Giêsu, của tất cả
những người có niềm tin khác với chúng ta. Và Thiên Chúa yêu mến họ,
soi sáng cho họ, Thiên Chúa dùng ân điển vô hình để lôi kéo họ đến với
Người. Nhưng, chúng ta, chúng ta phê phán họ như thế nào?
Và
đây là điều ngôn sứ đã viết: “Phần ngươi, hỡi Bêlem. miến đất Giu-đa,…
vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời”.
Tại
sao, hãy nói cho tôi hay, ngôi sao lại không trực tiếp dẫn lối những
nhà chiêm tinh, nếu phải làm, đến Bêlem, gần Đức Giêsu? Tại sao có đường
vòng qua Giêrusalem, qua các “kinh sư và thượng tế” Bởi vì Thiên Chúa
trung thành với những lời Người hứa, và vì, nếu ơn cứu độ được đưa đến
cho tất cả mọi người, thì ơn đó đến qua trung gian những người Do Thái
(Rm 9, 10-11).
Họ mở bảo tráp, lấy tặng vật mà dâng tiến.. Họ đi lối khác mà về xứ mình…
Việc
thờ phường là một trong những chức năng chính yếu của Giáo Hội: sự thờ
phượng thật, chính là dâng tiến lên Thiên Chúa kết quả lao động của con
người và của đất. Như vậy cuối cùng tất cả mọi giá trị mà nhờ đó các nền
văn minh sinh tồn được. Cuộc gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời: một con
đường mới mở ra… Tin Mừng vui biết bao, lạy Chúa!
0 Nhận xét