Thiên An/Người Việt
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) -
Một thanh niên 25 tuổi, Phạm Minh Đáp, sau bảy năm rời quê lên Hà Nội
bán bong bóng dạo và dành dụm tiền, vừa mở trường dạy ngoại ngữ hoàn
toàn miễn phí có tên Stand By You.
|
Đáp đang bán bong bóng. (Hình: Phạm Minh Đáp)
|
"Giới trẻ cần phải học Tiếng Anh để học hỏi tiến bộ của các nước văn minh, tiếp cận thông tin đa chiều, và cởi mở tư tưởng," Đáp nói. Trên chiếc xe đạp cũ, phía sau người thanh niên da ngăm đen, giản dị với áo sơ mi quần tây và đôi dép nhựa, những chùm bóng bay đủ màu sắc và những cuốn sách tiếng Anh cùng anh đi qua khắp các nẻo đường thành phố.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở Thanh Hóa,
Phạm Minh Đáp là anh cả trong số ba anh em. Theo lời kể của anh, khi anh
lên lớp 6, ba mẹ Đáp rời quê lên Hà Nội bán hàng rong. Trong năm học,
anh phụ ông bà chăm sóc hai em nhỏ. Mỗi dịp Hè, anh cũng theo ba mẹ lên
Hà Nội để bán bong bóng. Mười tám tuổi, thay vì thi đại học như các
thanh niên cùng lứa, Đáp chính thức theo nghề người bán hàng rong.
"Tôi thích học ngoại ngữ từ nhỏ, và cũng được học môn này ở trường từ
lớp 6. Nhưng lúc đi bán bóng bay, tôi chứng kiến nhiều người ngoại quốc
đến hỏi đường, mà tôi và nhiều bạn trẻ khác cứ lắc đầu, không biết phải
trả lời ra sao. Điều đó là động lực khiến tôi quyết tâm học để nói được
Anh ngữ.”
Phạm Minh Đáp, người mở trường ngoại ngữ Stand By You miễn phí cho trẻ em nghèo. (Hình: Phạm Minh Đáp) |
Đáp cho biết ban đầu, cứ thấy khách du lịch ngoại quốc là anh cứ “nhè” ra để chào hỏi. Sau này, để có thể trao đổi lâu hơn bằng Anh ngữ, anh tình nguyện làm việc cho bảo tàng Dân Tộc Học, phụ trách cả các công việc lau dọn trước khi chuyển sang làm hướng dẫn viên cho khách ngoại quốc. Ngày qua ngày, khách du lịch không chỉ mang lại cho anh thêm thu nhập mà còn trở thành những người bạn sau này giúp anh dạy Tiếng Anh miễn phí cho bạn bè.
Trước khi trường dạy ngoại ngữ miễn phí Stand By You ra đời, Đáp chỉ
có một nhóm nhỏ bạn bè và các em nhỏ cùng bán hàng rong để cùng học
Tiếng Anh, với ý nghĩ “bán cho khách du lịch thì được nhiều tiền
hơn.”Lớp học diễn ra kiểu hội thoại, các bạn ai cũng lần lượt là “giáo
viên” đứng lớp, và Đáp biết bao nhiêu, chỉ các bạn bấy nhiêu. Dần dà,
“lớp học” nhỏ diễn ra trong góc phòng trọ ngày càng có thêm đông “học
viên”, và cuối cùng phải ra các bờ hồ, công viên để học.
|
Đáp đang đóng bàn ghế cho lớp.(Hình: Phạm Minh Đáp)
|
Ước mơ có một phòng học đàng hoàng với bàn, với ghế, cuối cùng Đáp
cũng thực hiện được vào đầu năm 2014 với lớp học Stand By You.
Dù để thuê mướn được địa điểm này, Đáp phải dùng toàn bộ số tiền dành
dụm được trong sáu năm bán bong bóng (anh cho biết mỗi ngày đi bán nếu
may mắn thì lời khoảng 100,000 VND - tương đương $5) và vay mượn thêm
bạn bè, Đáp cho biết đây chỉ là sự khởi đầu cho ước mơ của anh.
“Tôi chưa nghĩ nó sẽ dừng lại. Tôi sẽ cố gắng mang lại thật nhiều
khóa học, lớp học cho sinh viên. Cả tiếng Anh và kỹ năng sống. Tôi sẽ mở
thêm những “ngôi nhà tiếng Anh” tại các tỉnh thành Việt Nam khi có tài
chính. Và sẽ có nhiều hoạt động bổ ích như làm từ thiện, tổ chức các
buổi tọa đàm, thảo luận về những chủ đề của xã hội, đất nước.” Đáp nói.
|
Đáp chụp hình cùng các tình nguyện viên. (Hình: Phạm Minh Đáp)
|
“Tôi có niềm tin là mình sẽ làm được. Tôi luôn cố gắng rút ra những
kinh nghiệm của những người đi trước và của mình. Để cố gắng thay đổi
theo tình hình khó khăn. Cũng phải cần nghiên cứu và tính toán cẩn thận
cách điều hành và làm việc. Vì tôi biết công việc này không những khó
khăn về tài chính mà khó khăn về mặt xã hội nữa.”
“Do hoàn cảnh gia đình, cách giáo dục và định hướng của bố mẹ với con
cái về các vấn đề của xã hội.” Đáp giải thích về cách suy nghĩ và mơ
ước của anh. Đáp cho biết bố mẹ anh đề cao sự cố gắng, học để giúp đỡ
gia đình và xã hội. Đáp nhấn mạnh: “Phải học hỏi tiến bộ của các nước
văn minh, cần phải thay đổi và học Tiếng Anh.”
Anh cũng cho biết gia đình anh theo đạo Công Giáo, và anh từng tham
gia vào các hoạt động giới trẻ, từ đó có ý thức về “trách nhiệm bản thân
với sứ mệnh làm chứng cho sự thật - công lý - hòa bình.”
|
Đáp đang ở lớp dạy học. (Hình: Phạm Minh Đáp)
|
Những ngày bán bong bóng ở Hà Nội càng nung nấu ý chí của người thanh niên nghèo. “Đi bán hàng rong, tôi cảm nhận và hiểu rõ về các tầng lớp xã hội. Về người nghèo và tầng lớp quản lý xã hội. Tôi được cảm thông với những người nghèo. Và nhận thấy mình nên và phải làm những điều gì đó để giúp xã hội thay đổi.” Anh nói.
Là “hiệu trưởng” của gần 1000 học viên “trường” Stand By You, Đáp chỉ
thỉnh thoảng dự lớp cùng những bạn khác. Đáp cho biết nhiệm vụ của mình
bao gồm từ lao công, giữ xe, đến việc tìm tình nguyện viên, mạnh thường
quân, và tiếp tục bán bong bóng mỗi chiều tối để kiếm tiền trang trải
cho các hoạt động của Stand By You.
--
--
Để hỗ trợ hoặc tìm hiểu thêm về “ngôi nhà tiếng Anh” Stand By You, xin vào trang mạng: http://www.standbyyouvolunteerclub.org/
0 Nhận xét