NGÔ ĐÌNH THU
Những ngày Tết Ất Mùi đã trôi qua, nhưng dư âm của 9 ngày nghỉ Tết đã để lại biết bao lời đàm tiếu. Đặc biệt hơn hết khi nhìn những hình ảnh của cuộc hỗn chiến tại đền Gióng, mà nhiều người tưởng là đang diễn lại cuộc chiến Đống Đa với quân Thanh.
Hàng năm, theo truyền thống văn hóa dân tộc có từ ngàn xưa, lễ hội đền Gióng, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) diễn ra từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng giêng âm lịch. Lễ hội đền Gióng được tổ chức để tưởng nhớ công đức của Thánh Gióng, tương truyền là một thiếu niên anh hùng cầm roi tre cỡi ngựa sắt đánh thắng giặc nhà Ân bên Tàu, đem lại thái bình cho đất nước. Nghi thức chính tại lễ hội là rước kiệu hoa tre, được kết từ hàng trăm hoa tre bằng cách cắm vào thân một cây chuối cao làm trụ. Đây là một vật tượng trưng cho cây gậy tre của Thánh Gióng đánh giặc ngày xưa. Sau buổi lễ, dân làng có quyền tranh nhau đoạt lấy hoa tre, tuy có náo động nhưng trong niềm vui chân thực của ngày lễ hội.
Nhưng càng vào những năm gần đây, niềm vui chân thực ấy càng biến dạng. Không còn nữa những nụ cười vui trong lúc giành nhau rồi nhường nhau, chia nhau, tặng lại nhau trong các lễ hội dân gian. Nay những kẻ xông vào đánh giật bao gồm nhiều thành phần, đã có chuẩn bị đem theo gậy gộc và “phối hợp hành động”. Điều đó cho thấy họ đã có ý định từ trước. Ngay cả những người bảo vệ kiệu cũng đem theo sẵn vũ khí gậy gộc, vì cũng biết trước sẽ có trò du đãng. Tóm lại, chuyện cướp giật và đánh nhau đến đổ máu này không còn là biệt lệ nhưng đã trở thành “chuyện thường xuyên” hàng năm. Ai cũng biết trước nhưng cùng lúc, chẳng ai biết cách nào để chấm dứt tình trạng này. Có người chỉ còn bó tay than thở: “Cả cái xã hội bây giờ nó thế!”
Thật vậy, vụ Hội Đền Gióng chỉ là một trong rất nhiều biến cố rất “vô văn hóa” tại các sự kiện văn hóa trong nhiều năm qua: từ vụ giành giật, giằng xé tan nát các cây hoa anh đào mà Nhật Bản đem sang giới thiệu với người Việt Nam ngay tại Hà Nội; đến vụ đánh đạp lên nhau để giành giật miếng bánh chưng… thiu tại buổi nấu bánh chưng kỷ lục nặng 2 tấn; đến vụ giẫm đạp lên nhau giành ăn sushi miễn phí do một nhà hàng Nhật giới thiệu; đến vụ cào cấu nhau giành áo mưa do Tòa đại sứ Hòa Lan phát tặng, v.v. Đó là chưa kể tình trạng vô số vụ trộm gà bị đánh nhập viện, hay trộm chó bị cả làng vây đánh chết và đốt cả người lẫn xe tại chỗ. Chỉ riêng trong mấy ngày “vui xuân” đầu năm 2015, thống kê chính thức cho biết có đến 40.000 người phải nhập viện, 800 người chết. Một số nhỏ vì các tai nạn nhưng số lớn còn lại là vì đánh nhau, chém nhau, và ngay cả bắn nhau.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh đã phải nhận xét: “Người Việt hôm nay dường như đủ hung hãn chém con heo ra nhiều mảnh, reo hò và tắm máu như thời các bộ lạc dã man, nhưng hèn nhát câm miệng không dám bàn về tài sản các quan chức tham nhũng đang đục ruỗng tổ quốc mình”. Ông cũng viết: “Cái cần phải hung hãn, thì người ta đang chọn cách hèn nhát. Cái cần phải hèn đi thì người ta ồ ạt xông lên: hung hãn giành giật thức ăn buffet, hung hãn trói đánh kẻ trộm chó, hung hãn phán xét, nguyền rủa chung quanh như bản thân mình là hiện thân của ngọn cờ đầu nhân nghĩa”.
Rõ ràng các vụ việc nêu trên là biểu hiện của tình trạng xuống cấp, bệnh hoạn sâu hơn của cả xã hội. Ngày nay không còn ai có thể đổ tội cho chiến tranh. Cũng không còn ai có thể đổ tội cho kinh tế tư bản, kinh tế thị trường, vì vô số nước tư bản trên thế giới không có tình trạng suy đồi nghiêm trọng thế này, đặc biệt là Nhật Bản và Nam Hàn. Không ai còn có thể phủ nhận: Đây chính là những CON NGƯỜI MỚI XHCN mà chế độ CSVN, với chủ nghĩa Mác Lê và đạo đức Hồ Chí Minh trong tay, đào tạo nên. (Xin nói ngay câu này không nhằm mục tiêu phỉ báng nhưng được trích trực tiếp từ bài bản của nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay.)
Thật vậy, từ dân thường đến các nhà xã hội học đều thấy, sau 70 năm nắm quyền và kiểm soát mọi mặt xã hội, các thế hệ lãnh đạo cộng sản đã liên tục gạt bỏ mọi loại luân lý truyền thống và đạo đức tôn giáo của dân tộc Việt để dành vị trí duy nhất cho cái họ gọi là “đạo đức cách mạng”, “lập trường giai cấp”,… được rước từ Liên Xô, Trung Quốc về. Ngay lập tức, trong cuộc Cải cách ruộng đất đẫm máu, bắt đầu xuất hiện cảnh con cái đấu tố cha mẹ mà cả lãnh tụ như Trường Chinh làm gương đi đầu; người ta sẵn sàng đứng trên lập trường giai cấp để vu oan và giết oan hàng trăm ngàn nạn nhân; các lãnh đạo đảng sẵn sàng phản bội và cho bắn cả những gia đình nuôi cách mạng, có con đang đi bộ đội, v.v… và xã hội cứ thế mà đi xuống trong sự sợ hãi, ngờ vực, và sẵn sàng chỉ điểm lẫn nhau để tự bảo vệ.
Đến khi thế giới cộng sản xụp đổ vào đầu thập niên 1990, lãnh đạo đảng bắt đầu giới thiệu thêm “tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh” rồi bắt cả nước phải học. Ai cũng biết đây là sản phẩm do lãnh đạo hiện nay nặn ra vì chính ông Hồ Chí Minh đã nhiều lần tuyên bố ông không có tư tưởng nào khác ngoài các tư tưởng của Mác-Lê-Stalin-Mao. Cũng vậy, nhiều tài liệu lọt ra ánh sáng từ văn khố Liên Xô cũ cũng như các tài liệu do Bắc Kinh tung ra, và sự lên tiếng của các nhân chứng từng sống rất gần cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã cho thấy rất rõ cái gọi là “đạo đức Hồ Chí Minh” cũng là sản phẩm tưởng tượng. Và thế là cả người dạy lẫn người học môn “Triết học Mác Lênin và đạo đức Hồ Chí Minh” đều biết và nhủ thẩm trong bụng: “Đứa nào ngu tin theo chết ráng chịu.”
Nhưng nguy hiểm hơn cả tình trạng giáo dục nêu trên là chính thái độ của đa số chúng ta về tình trạng hiện tại.
Có lẽ bắt nguồn từ thái độ ngày càng trơ của lãnh đạo đảng. Trước sự suy đồi tràn lan và quá hiển nhiên trong toàn xã hội, Ban Tuyên giáo ngày nay không còn biết che giấu hay bào chữa thế nào nữa nên đâm ra… trơ mặt. Họ chỉ còn biết đánh đồng. Họ tỉnh bơ nói rằng nước nào chả có tai nạn, chả có đánh nhau, chả có nghiện ngập, chả có đĩ điếm, chả có tham nhũng. (Trước đây, họ luôn bảo đó là các bệnh hoạn tư bản mà các nước XHCN không bao giờ có). Lãnh đạo Đảng trông mong người nghe sẽ lười biếng không so sánh viên sỏi với quả núi vì đều là đá cả, và vì thế phải chấp nhận, đừng qui tội cho sự bất lực của đảng.
Hệ quả của lối tuyên truyền ngụy biện đó là rất nhiều người trong chúng ta cũng muốn quên đi những chuyện tồi tệ, xuống cấp chung quanh đi để sống… “cho nó vui vẻ”. Có người bào chữa thêm: “Nhà nước phải lo các chuyện lớn chứ ai rỗi hơi lo các chuyện nhỏ như thế này?”; nhưng những chuyện lớn đó là gì? và nếu là chuyện nhỏ thì tại sao Đảng luôn đổ rất nhiều nhân lực, tài lực vào mục tiêu tuyên truyền, đào tạo tư tưởng?
Có người còn bực mình tố ngược những ai nói chuyện chết người giữa ngày Xuân, hay chuyện đánh nhau bằng gậy gộc trong các lễ hội, v.v. là đám phản động “nói xấu chế độ”. Họ từ chối nhìn ngay cả khi người khác trưng ra đó là các tin tức và hình ảnh đang được đăng trên báo đài công cụ của đảng. Khi các trang mạng tại nước ngoài chuyển tải các tin đó thì họ càng gào to: “đó là các thế lực thù địch nói xấu tổ quốc”.
Hiển nhiên chúng ta khó trách chính chúng ta, những nạn nhân của 70 năm luôn bị nhồi nhét tư tưởng “Đảng là Đất nước, Đất nước là Đảng”, hay các khẳng định “Yêu nước là yêu CNXH”, v.v. Nhưng chính sự cảm thông đó lại cũng là nguồn gốc của hiện tượng tuột dốc không phanh của toàn xã hội hiện nay. Chúng ta đang chấp nhận xuống cấp như hiện nay là bình thường. Có phải chúng ta đang thoải mái bịt mắt mình và bịt mắt gìùm cho nhau không?
Và như thế, đất nước và các thế hệ con em chúng ta còn phải tụt hậu, tan tác, và què quặt thêm đến mức nào nữa thì ta mới bắt đầu nghĩ tới trách nhiệm của mình; mới nghĩ tới việc phải chận lại cái ống cống đang làm thối rữa xã hội Việt Nam?
0 Nhận xét