PHẦN I MỐI BẬN TÂM HIỆN NAY CỦA HỘI THÁNH VỀ GIA ĐÌNH
THÔNG CÁO
CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
VỀ VIỆC TÔN KÍNH TỔ TIÊN
Ngày 20-10-1964, Tòa Thánh, qua Bộ Truyền
giáo đã chấp thuận đề nghị của Hàng Giám Mục Việt Nam xin áp dụng huấn thụ
Plane compertum est (8-12-1939), về việc tôn kính tổ tiên cho giáo dân Việt
Nam.
Để hiểu rõ tinh thần Giáo Hội trong việc
chấp thuận này, và để có những chỉ thị hướng dẫn trong khi áp dụng, Hội đồng
Giám mục muốn nêu lên mấy điểm sau đây:
I. Giáo hội Công Giáo đối với nền văn hóa và truyền thống các dân tộc
1) Giáo Hội Chúa Kitô bao giờ cũng tha
thiết thực hiện mệnh lệnh Đấng Sáng Lập, để hiện diện khắp nơi và tuyên giảng
Phúc Âm cho mọi người. Cố gắng đầu tiên của Giáo Hội là giúp sao cho con người
được nên hình ảnh đích thực của Thiên Chúa và được trung thực với sứ mệnh Kitô
hữu của mình, để đạt cứu cánh sau hết là hạnh phúc đời đời. Công trình đó được
thực hiện trong nội khảm của mỗi cá nhân. Nhưng nó có vang âm đến toàn diện cuộc
đời và trong mỗi khu vực sinh hoạt của con người (Đức Piô XII: Huấn dụ tại Cơ Mật
Viện, ngày 20-2-1946).
2) Mặt khác, từ nguyên thủy cho đến ngày
nay, Giáo Hội Công Giáo vẫn tuân theo tiêu chuẩn Phúc Âm. Theo đó, Giáo Hội
không hủy bỏ hay dập tắt những giá trị thiện hảo, liêm chính, chân thành của
các dân tộc. Âu cũng vì bản tính nhân loại, dù còn mang dấu vết sự sa ngã của tổ
tông, song vẫn giữ trong nội tâm một căn bản tự nhiên mà ánh sáng và ân sủng
Thiên Chúa có thể soi chiếu, dinh dưỡng và nâng lên tới một mức độ đức hạnh, một
nếp sống siêu nhiên đích thực. Cũng vì vậy mà Giáo Hội không bao giờ miệt thị,
khinh chê tư tưởng cũng như nghệ thuật hoặc văn hóa của người không Công giáo.
Trái lại, Giáo Hội đã từng góp phần thanh luyện hoặc bổ túc để đi đến chỗ hoàn
hảo. Trải qua các thế kỷ, Giáo Hội đã thánh hóa những phong tục cũng như những
truyền thống chân chính của các dân tộc. Giáo Hội cũng đã nhiều lần đem nghi lễ
của miền này xứ nọ sát nhập vào nền phụng vụ của mình, sau khi đã tu chỉnh cả
tinh thần và hình thức, để ghi nhớ mầu nhiệm hoặc để tôn kính các bậc thánh
nhân hay các vị tử đạo (Đức Piô XII: Thông điệp Evangeli praecones, 2-6-1951; Đức
Gioan XXIII trích dẫn tư tưởng này trong thông điệp Princeps Pastorum,
28-11-1959).
3) Đối với các tôn giáo khác, Giáo Hội
Công Giáo cũng chủ trương một lập trường rõ rệt. Dĩ nhiên Giáo Hội không thể
tham dự vào các nghi lễ của các tôn giáo khác, hoặc coi tôn giáo nào cũng như
tôn giáo nào, và lãnh đạm để mặc ai muốn hay không muốn tìm xem Thiên Chúa có mạc
khải một đạo không sai lầm, trong đó Thiên Chúa được nhận biết, kính mến và phụng
thờ. Tuy nhiên, Giáo Hội không từ chối công nhận một cách kính cẩn những giá trị
tinh thần và luân lý của các tôn giáo khác (Đức Phaolô VI, thông điệp Ecclesiam
suam, 6-8-1964). Giáo Hội không phủ nhận điều gì vốn là chân lý và thánh thiện
của bất cứ tôn giáo nào. Giáo Hội luôn luôn rao truyền Đức Kitô là “đường đi,
là chân lý và là nguồn sống” và, trong Đức Kitô, Thiên Chúa làm hòa với muôn vật.
Tuy nhiên Giáo Hội thành tâm và lưu ý cứu
xét những hành động và sinh hoạt, những luật pháp và lý thuyết của các tôn giáo
khác tuy có sai biệt với những điểm Giáo Hội đề ra, song vẫn mang lại một tia
sáng nào đó của chính cái chân lý hằng soi sáng mọi người. Vì thế, Giáo Hội
khuyên giục con cái mình tuy vẫn phải giữ đức tin Công giáo tuyền vẹn, nhưng phải
làm thế nào để nắm giữ và phát triển những của cải thiêng liêng, luân lý và những
giá trị xã hội, văn hóa, gặp được trong các tôn giáo khác nhờ những buổi hội thảo,
sự học hỏi và sự cộng tác với các tín đồ của các tôn giáo này (Công đồng
Vatican II, khóa III: Giáo Hội và các tôn giáo ngoài Kitô giáo, ngày
20-11-1964)
Chính lập trường đó của Giáo Hội được đúc
kết trong tư tưởng của các Đức Giáo Hoàng và trong đệ nhị Công đồng Vatican, đã
giải thích lý do của quyết định Tòa Thánh, khi cho áp dụng huấn thị Plane
compertum est tại Việt Nam ngày nay. Và cũng chiếu theo tinh thần đó, các Giám
mục hội nghị tại Đà Lạt trong những ngày 12, 14-06-1965 đã cho công bố thông
cáo này.
II. Thể thức áp dụng Huấn thị Plane compertum est
1) Nhiều hành vi cử chỉ xưa kia tại Việt
Nam, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì sự tiếp xúc với bên ngoài và vì tâm
tình, tập quán đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những phương cách biểu lộ lòng
hiếu thảo tôn kính đối với tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ. Những cử chỉ,
thái độ, nghi lễ có tính cách thế tục, lịch sự và xã giao đó, Giáo Hội Công
Giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích cho nó được diễn
tả bằng những cử chỉ riêng biệt của mỗi nước, mỗi xứ và tùy theo trường hợp.
Vì thế, những cử chỉ, thái độ và nghi lễ
tự nó hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa thế tục rõ ràng là để tỏ tinh thần ái
quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ
(như treo ảnh, hình, dựng tượng, nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, tổ
chức ngày kỵ, giỗ...) thì được thi hành và tham dự cách chủ động.
2) Trái lại, vì có nhiệm vụ bảo vệ đức
tin Công Giáo được tinh tuyền, Giáo Hội không thể chấp nhận cho người giáo hữu
có những hành vi cử chỉ, hoặc tự nó, hoặc do hoàn cảnh có tính cách tôn giáo
trái với giáo lý mình dạy.
Vì thế, các việc làm có tính cách tôn
giáo không phù hợp với giáo lý Công Giáo (như bất cứ lễ nghi nào biểu lộ lòng
phục tùng và sự lệ thuộc của mình đối với một thụ tạo nào như là đối với Thiên
Chúa), hay những việc dị đoan rõ rệt (như đốt vàng mã), hoặc cử hành ở những
nơi dành riêng cho việc tế tự... thì giáo hữu không được thi hành và tham dự.
Trong trường hợp bất đắc dĩ, chỉ được hiện diện một cách thụ động như đã ấn định
trong giáo luật, khoản 1258 (GL 1917).
3) Đối với những việc mà không rõ là thế
tục hay tôn giáo, thì phải dựa theo nguyên tắc này, là nếu những hành vi đó,
theo dư luận dân chúng địa phương không coi như sự tuyên xưng tín ngưỡng của một
tôn giáo (ngoài Kitô giáo), mà chỉ biểu lộ một tâm tình tự nhiên, thì được coi
như không trái với đức tin Công Giáo, nên được thi hành và tham dự. Trong trường
hợp chưa hết nghi nan, thì có thể hành động theo tiếng lương tâm lúc ấy: nếu cần,
thì phải giải thích chủ ý của mình một cách khéo léo, hợp cảnh, hợp thời. Sự
tham dự cũng chỉ được có tính cách thụ động.
Đó là những nguyên tắc chung, giáo hữu cần
phải dựa vào mà xét đoán theo lương tâm và hoàn cảnh. Trong trường hợp hồ nghi,
mọi người liên hệ không được theo ý riêng mình, mà sẽ phán đoán theo chỉ thị của
Tòa Thánh và bàn hỏi với các giáo sĩ thành thạo.
Yêu cầu quý cha phổ biến rộng rãi và giải
thích tường tận thông cáo này không những trong các nhà thờ mà cả mỗi khi có dịp,
không những cho anh em giáo hữu mà cả cho người ngoài Công Giáo. Các vị phụ
trách Công Giáo Tiến Hành cũng phải lấy thông cáo này làm đề tài học tập cho
các hội đoàn trong các buổi họp và các khóa huấn luyện.
Làm tại Đà Lạt, ngày 14 tháng 6 năm 1965
Sacerdos-Linh Mục Nguyệt San, số 43, tháng 7-1965, trang 489-492
§1 Người tín hữu không được phép tham dự cách chủ động bằng bất cứ
cách nào, hoặc tham dự một phần trong các nghi thức của người không Công giáo.
§2 Có thể chước chuẩn cho người tín hữu hiện diện cách thụ động, hay
chỉ có tính cách bề ngoài vì trách nhiệm dân sự hoặc vì danh tiếng, bởi có lý
do quan trọng, trường hợp nghi ngờ đã được Giám mục xác nhận. Trong các lễ an
táng người không Công giáo, các đám cưới và những cuộc lễ long trọng tương tự,
miễn là không có nguy hiểm làm gương mù và sinh lợi.
QUYẾT NGHỊ
VỀ LỄ NGHI TÔN KÍNH ÔNG BÀ TỔ TIÊN
Chúng tôi, các Giám mục chủ tọa khóa hội
thảo VII về Truyền Bá Phúc Âm toàn quốc, tại Nha Trang ngày 12-14 tháng 11 năm
1974, đồng chấp thuận cho phổ biến việc thi hành trong toàn quốc, những quyết
nghị của Ủy Ban Giám mục về Truyền Bá Phúc Âm ngày 14.6.1965, về các lễ nghi
tôn kính Ông Bà Tổ Tiên, như sau:
“Để đồng bào lương dân dễ dàng chấp nhận
Tin Mừng, hội nghị nhận định: Những cử chỉ thái độ, lễ nghi (sau này) có tính
cách thế tục lịch sự xã giao để tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính và tưởng niệm các Tổ
Tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ, nên được thi hành và tham dự cách chủ động”
(Thông cáo Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 14.06.1965).
1. Bàn thờ gia tiên để kính nhớ Ông Bà Tổ
Tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày
biện điều gì mê tín dị đoan, như hồn bạch.
2. Việc đốt nhang hương, đèn nến trên bàn
thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ Tổ tiên, là những cử chỉ thái
độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.
3. Ngày giỗ cũng là ngày “kỵ nhật” được
“cúng giỗ” trong gia đình theo phong tục địa phương miễn là loại bỏ những gì là
dị đoan mê tín, như đốt vàng mã, và giảm thiểu cùng canh cải những lễ vật biểu
dương đúng ý nghĩa thành kính biết ơn Ông Bà, như dâng hoa trái, hương đèn.
4. Trong hôn lễ, dâu rể được làm “Lễ Tổ,
Lễ Gia Tiên” trước bàn thờ, giường thờ Tổ tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết
ơn, hiếu kính trình diện với Ông Bà.
5. Trong tang lễ được vái lạy trước thi
hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính
người đã khuất cũng như Giáo Hội cho đốt nến, xông hương nghiêng mình trước thi
hài người quá cố.
6. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị thành
hoàng quen gọi là phúc thần tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị
mà theo lịch sử đã có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không
phải là mê tín như đối với các “yêu thần, tà thần”.
Trong trường hợp thi
hành các việc trên đây sợ có sự hiểu lầm nên khéo léo giải thích qua những lời
phân ưu khích lệ, thông cảm… Đối với giáo dân, cần phải giải thích cho hiểu việc
tôn kính Tổ Tiên và các vị anh hùng liệt sĩ theo phong tục địa phương, là một
nghĩa vụ hiếu thảo của đạo làm con cháu, chứ không phải là những việc tôn kính
liên quan đến tín ngưỡng, vì chính Chúa cũng truyền phải “thảo kính cha mẹ”, đó
là giới răn sau việc thờ phượng Thiên Chúa.
Tại Nha Trang, ngày 14.11.1974
Ký tên:
- Philiphê Nguyễn Kim Điền, TGM Huế
- Giuse Trần Văn Thiện, GM Mỹ Tho
- Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, GM Vĩnh Long
- Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, GM Cần Thơ
- Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, GM Nha Trang
- Phêrô Nguyễn Huy Mai, GM Ban Mê Thuột
- Phaolô Huỳnh Đông Các, GM Qui Nhơn
0 Nhận xét