…Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá VN đứng thứ 183/194 nước về công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Thứ hạng thấp như vậy vì người dân phải tự chi trả 73% chi phí khám chữa bệnh, trong khi WHO khuyến cáo tỉ lệ này nên dưới 50%”.)
Theo thông tin đó của Báo Tuổi trẻ (ngày 15-11-2009), chúng ta thấy đây là sự đánh giá khách quan về sự thiếu công bằng trong chăm sóc sức khỏe đối với người dân. Tình trạng đó cũng được thể hiện ở nhiều “nghịch lý” trong khám và chữa bệnh cũng như sự xuống cấp của y đức.
Hai nghề được xã hội tôn vinh là “nghề cao quý”, đó là nghề Thầy giáo và nghề Thầy thuốc. Nhưng xét về sinh mạng con người thì nghề Thầy thuốc còn quan trọng hơn nghề Thầy giáo. Thế nhưng, nghề này đang tồn tại những điều nhức nhối.
Khi lương y không như từ mẫu
Trong xã hội ngày nay, vẫn còn những bác sỹ có tấm lòng nhân ái, khoan dung, hết lòng thương yêu người bệnh, luôn nỗ lực trong công tác dù đời sống còn nhiều khó khăn. Thế nhưng cũng cần phải nhìn thẳng vào thực tế để thấy rằng, tình trạng suy thoái về y đức trong đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế đã đến mức báo động.
Anh bạn tôi, có bố là thương binh hạng ¼, đã từng bị bom napan làm cháy xém hết cả mặt mày, chân tay. Bây giờ bố anh lại thêm bệnh đau dạ dày, anh đưa bố đến một bệnh viện quân y, viên bác sỹ tiếp chẳng mấy mặn mà, khám qua loa rồi cho mấy loại thuốc. Anh hỏi thuốc này uống như thế nào, viên bác sỹ đáp: “Tất cả đều uống sau bữa ăn”. Vốn là người có chút hiểu biết về cách uống thuốc dạ dày (do cũng có tiền sử bệnh này), anh thấy không ổn liền đem đơn thuốc về hỏi một bác sỹ là người quen, và được cho hay: trong các loại thuốc đó, có loại phải uống sau bữa ăn, có loại phải uống trước bữa ăn. Anh lắc đầu: “Mình cứ tưởng đối tượng người có công như bố mình thì họ phải đối xử khác chứ. Mình nghĩ là không cần đưa tiền”.
Một bác sỹ ở Hà Nội kể cho tôi nghe một chuyện còn đau lòng hơn: Hai người cùng nhập viện vì nhồi máu cơ tim, bệnh viện bảo phải mổ gấp, yêu cầu gia đình nộp 7.000 USD. Bệnh nhân có điều kiện (là một PGS) thì nộp tiền và được cứu sống; còn người kia khi gia đình chạy vạy lo đủ tiền thì đã không còn kịp nữa.
Báo Vietnamnet ngày 9/4/2009 có bài phản ánh sự việc hai bác sỹ trực khoa sản bênh viện Từ Dũ lo đi mổ dịch vụ để lấy tiền mà bỏ mặc một ca thuộc trách nhiệm đã có chỉ định mổ, dẫn đến cái chết tức tưởi của hai mẹ con sản phụ. Không ít bác sỹ, nhân viên y tế có thái độ hách dịch, coi thường, quát mắng người bệnh và thân nhân, dửng dưng trước nỗi đau khổ của bệnh nhân, không an ủi thì chớ, có lúc còn khủng bố tinh thần người bệnh. Không ít bệnh nhân đã chết oan, hay tàn phế vì những bác sỹ vô cảm, yếu kém. Những quy định trong 12 điều y đức của Bộ Y tế ngày càng xa vời đối với không ít y bác sỹ, nhân viên y tế. Trong khi đó, nhiều vị đang “xích lại gần” hơn với 8 điều cần tránh của y đức mà đại danh y Lê Hữu Trác đã cảnh báo: lười, bủn xỉn, tham, lừa dối, bất nhân, thất đức, hẹp hòi, dốt nát.
Lương thấp, hoa hồng cao
Tiền lương chính thức của bác sỹ bệnh viện công nói chung rất thấp, không đủ sống, nhưng tiền thu nhập ngoài luồng của các bác sĩ ở tuyến trên là rất cao, có thể mua được ô tô, xây nhà lầu. Một vị bác sỹ trả lời phỏng vấn rằng thu nhập của bác sỹ bệnh viện công có thể cao hơn mức 15-20 triệu/tháng do “làm thêm, làm dịch vụ” theo cách nói “uyển chuyển”, thực tế phần lớn số tiền đó là tiền hoa hồng, tiêu cực phí. Bởi vì bác sỹ ở bệnh viện tư cũng có thể làm thêm chứ sao. Việc đưa phong bì cho bác sỹ đã trở thành thông lệ, đến mức gặp vị bác sỹ nào từ chối, người nhà bệnh nhân cảm thấy bất an. Các hộ lý, y tá cũng chỉ “thân thiện” với bệnh nhân khi có phong bì. Có trường hợp bác sỹ phải nhắc nhở, nêu rõ “định mức” số tiền trong phong bì trước ca mổ. Hiện tượng phân biệt đối xử bệnh nhân bảo hiểm y tế và bệnh nhân khám chữa bệnh dịch vụ đã trở nên chuyện thường tình không cần phải bàn cãi.
Một khoản “hoa hồng” không nhỏ nữa của bác sỹ là do “bắt tay” với các nhà thuốc để “móc túi” người bệnh. Bác sỹ hay “gợi ý” bệnh nhân mua thuốc theo toa ở nhà thuốc nào, và thường kê những loại thuốc đắt tiền quá mức cần thiết. Có những loại thuốc từ giá gốc đến tay bệnh nhân đắt tới gấp 3-4 lần. Một bệnh nhân có người quen làm nghề dược, đã mua một loại thuốc đúng chủng loại theo đơn bác sỹ nhưng không đúng cửa hàng do bác sỹ “gợi ý”, và bị bác sỹ từ chối điều trị, chắc là do thấy loại thuốc này không có “kí hiệu” riêng quen thuộc. Bệnh nhân đành đến nhà thuốc là chỗ quen biết với bác sỹ mua loại thuốc đó với giá đắt gấp đôi. Còn những bác sỹ ở cương vị lãnh đạo thì có thêm khoản thu nhập từ việc chạy chọt, thuyên chuyển, bổ nhiệm, hoa hồng dự án, xây dựng cơ bản…như “các ngành khác”. Giám đốc Sở Y tế một tỉnh miền trung và những người liên quan nhận tiền của hàng trăm thí sinh, mỗi thí sinh hàng mấy chục triệu đồng, đến nỗi phải hủy bỏ cả kì thi tuyển công chức. Cũng do tình trạng “ngoắc ngoặc”, ngành y tế tỉnh này trước đây đã tuyển một người bị thần kinh vào làm nhân viên y tế.
Nghề y kiếm ra tiền như vậy, nên các trường ĐH Y dù phải học nhiều năm hơn các trường đại học khác, nhưng vẫn liên tục đứng ở tốp đầu của những trường có nhiều thí sinh thi vào, nhất là những khoa có thể hái ra tiền trong tương lai như Răng Hàm Mặt, ngoại khoa, đa khoa…Một nghịch lý nữa là tuyển sinh đầu vào bác sỹ của các trường tốp trên thì rất cao, nhưng hệ cao đẳng, trung cấp y lại tuyển sinh theo kiểu “vơ bèo vạt tép”, điểm thấp không đi học ở đâu được cũng thi đậu. Sau vài ba năm rồi thành y sĩ, bác sỹ cả.
“Không có tiền thì đừng ốm”
Có vào các bệnh viện mới thấy người bệnh nghèo khốn khổ đến mức nào. Nhất là những người bị bệnh hiểm nghèo, nan y như ung thư, suy thận, tâm thần, phong hủi, những trẻ em mắc bệnh nan y… “Thương thay cũng một kiếp người”. Bây giờ các bệnh viện đều có những phòng VIP, những trung tâm khám chữa bệnh theo yêu cầu, rồi các bệnh viện tư, bệnh viện quốc tế…Tất cả đều theo nguyên tắc “tiền nào của đó”, “ai có tiền, người ấy sướng”. Có tiền thì nằm phòng máy lạnh, có Ti-vi, có hoa, có nhạc, có người phục vụ nhẹ nhàng, lịch sự; không tiền thì chen chúc nhau hai ba người một giường, thậm chí phải nằm tràn ra hành lang, miếng ăn cũng không đủ no nói gì hoa với chả nhạc. Nhà vệ sinh bệnh viện thì hết sức khủng khiếp. Thủ tục thì phức tạp, chờ đợi mỏi cả cổ, chen lấn bẹp ruột thậm chí phải có phong bì rồi bác sỹ mới hỏi, mới “sờ” đến. Hết tiền, khánh kiệt thì về quê… chờ chết. Nhiều bệnh nhân nghèo không đủ tiền viện phí đã bỏ dở điều trị trốn về. Vị bác sỹ trả lời phỏng vấn cho rằng ở bệnh viện quốc tế nọ, chi phí khám răng một lần “chỉ” 15 USD. Thử hỏi có ông nông dân nào dám đến đó, mới há miệng ra đã mất non tạ thóc. Đó chỉ là chi phí khám, còn điều trị thì chắc cũng đắt khủng khiếp.
Báo “Tuổi trẻ” ngày 15/11/09 cho biết: “…Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá VN đứng thứ 183/194 nước về công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Thứ hạng thấp như vậy vì người dân phải tự chi trả 73% chi phí khám chữa bệnh, trong khi WHO khuyến cáo tỉ lệ này nên dưới 50%. Người dân nông thôn, miền núi càng khó có khả năng tài chính để thụ hưởng thành quả xã hội hóa và chăm sóc sức khỏe nhân dân”. Niềm hi vọng của người dân về một hệ thống y tế miễn phí (kiểu Cu-ba) đang ngày càng xa vời khi mà xu hướng tư nhân hóa y tế (thực chất là chạy theo lợi nhuận) đang trở thành một hướng đi có tính tất yếu.
Vì vậy mới có câu “Không có tiền thì đừng ốm”. Sự phân biệt đối xử bệnh nhân giàu, bệnh nhân nghèo, một cách ứng xử thiếu văn hóa và nhân văn, buồn thay, đang là một thực trạng phổ biến và thậm chí được coi là đương nhiên.
Tuyến trên quá tải, lang băm hoành hành
Do sự yếu kém, thiếu thốn nhiều mặt, các bệnh viện tuyến cơ sở không giành được sự tin tưởng của người dân. Thậm chí có những bệnh viện bị bệnh nhân rỉ tai nhau rằng: “Đừng vào đó, nếu còn muốn sống”. Vì vậy, nhiều bệnh viện tuyến cơ sở vắng như chùa Bà Đanh, trong khi bệnh viện tuyến trên, tuyến trung ương lại trở nên siêu quá tải. Bệnh viện quá tải, bác sỹ tuy mệt nhưng càng giàu, và đó là lực hút những bác sỹ giỏi, khiến họ tìm mọi cách bám trụ lại ở các thành phố lớn, và địa phương càng thiếu bác sỹ giỏi. Vòng luẩn quẩn lại bắt đầu.
Một bộ phận người dân thiếu tiền, không tin tưởng vào các dịch vụ y tế hiện đại và do cả trình độ nhận thức có hạn nên quay sang gửi gắm số phận cho những kẻ lang băm, với những cách chữa bệnh quái gở, nguy hiểm, đậm màu sắc mê tín dị đoan, ảo tưởng. Thỉnh thoảng lại thấy chuyện người dân đổ xô đi xin thuốc “thánh”, nước “thánh”, lại xuất hiện một vị cao nhân có thể chữa bách bệnh… Đọc báo, thấy các vụ lừa đảo của lang băm cứ liên tục bị phản ánh, phanh phui, xử lý ở chỗ này rồi lại xuất hiện ở chỗ khác, với những chiêu thức vô cùng hoang đường nhưng không bao giờ thiếu “khách hàng”, vừa thương cho người dân, vừa trách họ sao nhẹ dạ, cả tin quá thể. Các phòng khám Đông y Trung Quốc với những lời quảng cáo kêu như pháo nổ, nhưng thực chất hầu như là lừa đảo, với những thang thuốc chất lượng kém nhưng cực kì đắt (khoảng 1 triệu đồng/thang). Sao người dân không nghĩ rằng nếu các bác sỹ Trung Quốc giỏi thế, sao không chữa bệnh cho người nước họ đi đã, mà phải sang Việt Nam hành nghề. Trung Quốc có hơn 1,3 tỷ người cơ mà. Ngành y tế không thể vô can đối với tình trạng lang băm, thuốc thánh hoành hành như hiện nay.
Thầy giáo tồi làm học sinh dốt nát có thể nhờ người khác dạy dỗ nên người, còn bác sỹ tồi làm chết bệnh nhân thì không bao giờ còn cơ hội sữa chữa. Trước khi đi học, hay làm cái gì đó, thì người ta phải sống, phải có sức khỏe. Những nghịch lý đang tồn tại trong ngành y thực sự là nguy cơ, cần kiên quyết khắc phục.
Trọng Nghĩa
http://dantri.com.vn/c202/s202-364246/n ... ganh-y.htm
0 Nhận xét