(Thời sự Thần học – Số 9 – Tháng 9/1997, tr. 42-66)
Mục đích của bài khảo luận này trình bày Luật pháp như là một phương
tiện để xây dựng, bảo vệ hạnh phúc gia đình. Điều này có tầm mức quan
trọng vì gia đình là tế bào nền tảng của đời sống xã hội và Giáo hội, đã
và đang được mọi người quan tâm. Gia đình được qui định trong luật pháp
của quốc gia cũng như của Giáo luật.
Luật pháp liên quan tới hôn nhân và đời sống gia đình được trình bày trong bài này dựa trên hai bản văn chính thức:
– Dân Luật về Hôn nhân và Gia đình: đã được Quốc hội thông qua ngày
29.12.1986, được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước công bố do sắc lệnh số
21/LCT-HĐND-7 ngày 3.1.1987. Tất cả gồm có 10 chương và có 57 điều
khoản.
– Bộ Giáo luật Roma: ban hành ngày 21.1.1983 gồm có 1752 điều khoản.
Để hiểu rõ hơn về những qui định liên quan tới hôn nhân trong Bộ luật
Giáo hội – 1983 và Dân Luật về Hôn nhân và Gia đình. Xin nêu ra một số
trường hợp tiêu biểu.
I. ĐỊNH NGHĨA – BẢN CHẤT HÔN
Giáo Luật Điều 1055
§1 “Do giao ước hôn phối, người nam và người nữ tạo nên với nhau một
cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống. Tự bản tính, giao ước hôn phối hướng
về thiện ích của đôi bạn và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Chúa
Kitô đã nâng giao ước hôn phối giữa người đã chịu phép rửa tội lên hàng
bí tích”.
§ 2 “Bởi vậy, giữa những người đã chịu phép Rửa tội, không thể có khế
ước hôn phối hữu hiệu nếu đồng thời không phải là Bí tích”.
Khoản 1 của điều 1055 Giáo luật đã qui định bản chất chính yếu của hôn
nhân kitô giáo đặt nền tảng trên hiến chế “Gaudium et Spes” số 47 đến số
52. Số 48 nhắc lại sự phong phú về phương diện Thánh Kinh và truyền
thống thần học, đồng thời trình bày ý nghĩa Hôn nhân kitô giáo, bắt đầu
từ sách Sáng thế ký (chương 2 câu 24): các đôi vợ chồng làm nên giao
ước. Theo truyền thống Do Thái giáo, giao ước là một tương quan có tính
cách ràng buộc vĩnh viễn. Ngay cả khi có sự ưng thuận rút lại lời cam
kết do một bên hay hai bên đều không được chấp thuận, tương tự giao ước
giữa Thiên Chúa và dân Ngài.
Cộng đoàn này được thiết lập dựa trên tình yêu đặc biệt của đôi bên nam
nữ, được kinh nghiệm và diễn tả trong nhiều cách thức khác nhau. Nó diễn
tả sự tự do trao và nhận giữa hai người nam nữ đồng thời muốn điều
thiện hảo cho nhau.
Khác biệt với điều 1013 trong luật 1917, hiến chế “Gaudium et Spes”
tránh đặt ra thứ bậc ưu tiên cảu những mục đích hôn nhân. Sự bãi bỏ này
không có nghĩa là mục đích của hôn nhân được quyết định một cách độc
đoán, chủ quan do hai người nam nữ kết hôn. Do sự quyết định có tính
cách tự nhiên và thiêng liêng, hôn nhân được xếp đặt để đem lại thiện
ích cho đôi vợ chồng, kế đó là sinh sản và giáo dục con cái là hai mục
đích của định chế hôn nhân.
Giáo luật 1055 khoản 2 nói lên tính chất Bí tích của hôn nhân Công giáo:
Giáo lý kitô giáo luôn nhìn nhận và nhấn mạnh tới chiều kích siêu nhiên
của định chế hôn nhân.
Các tác giả trong thời kỳ Giáo hội sơ khai đã quan niệm hôn nhân như là
Bí tích. Tuy nhiên mãi tới thế kỷ 13 hôn nhân mới được xác nhận như một
Bí tích trong số Bảy Bí tích của Luật Tân Ước do Đức Kitô thiết lập. Tuy
không có bằng chứng rõ ràng trong Thánh Kinh nói rằng Bí tích Hôn nhân
do Chúa Kitô trực tiếp thiết lập, nhưng tính cách Bí tích của Hôn nhân
được đặt nền tảng trên công cuộc cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Đó là sự kết
hợp giữa Chúa Giêsu và Giáo hội. Luật Giáo hội có nhiệm vụ bảo vệ duy
trì, tôn trọng tính cách Bí tích của Định chế Hôn nhân, nhằm bảo vệ lợi
ích của cá nhân của đôi vợ chồng và của xã hội.
Trường hợp những người chưa được Rửa tội theo lễ nghi Công giáo thì sự
kết hôn được cử hành trước đại diện chính quyền, hay theo nghi lễ tổ
tiên cung có hiệu lực, có giá trị trước Thiên Chúa và Giáo hội và có đặc
tính vĩnh viễn, trừ trường hợp hưởng ơn huệ Thánh Phaolô. Trong trường
hợp hai người Công giáo kết hôn thì hôn lễ được cử hành với sự hiện diện
của vị đại diện Giáo hội và có đủ những điều kiện mà Giáo luật đòi hỏi
(điều 1059).
II. ĐẶC TÍNH CHÍNH YẾU CỦA HÔN NHÂN THEO LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH, VÀ GIÁO LUẬT 1983
1. Dân Luật về Hôn nhân và Gia đình đã qui định như sau:
a. Một vợ một chồng hòa thuận, hạnh phúc, bền vững (điều 1).
b. Cấm tảo hôn và cản trở hôn nhân tự nguyện
(điều 4).
c. Nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi mới được kết hôn (điều 5).
d. Cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu trực hệ (điều 7).
2. Theo sự qui định của Giáo luật 1983
a. Điều 1056: “Những đặc tính căn bản của hôn phối là sự duy nhất và bất
khả phân ly. Nhờ tính cách bí tích, những đặc tính ấy được kiện toàn
đặc biệt trong hôn phối kitô giáo”.
Đặc tính chính yếu của hôn nhân là duy nhất và bất khả phân ly phải được
hiểu trong văn mạch của tính cách Bí tích của định chế hôn nhân, được
xác định như một cộng đoàn thâm sâu cảu toàn thể đời sống. Hôn nhân tự
nhiên cũng luôn hướng về tính cách duy nhất, nghĩa là một vợ một chồng,
không chấp nhận chế độ đa phu hay đa thê, vì tự bản chất, hôn nhân không
thể thực hiện cách hữu hiệu trong trường hợp hôn nhân đa phu hay đa
thê. Hơn nữa, sự nuôi nấng và giáo dục con cái cũng không htẻ htực hiện
tốt đẹp hoàn hảo, ngay cả khi theo chế độ mẫu hệ.
Đặc tính bất khả phân ly, khôn gnhững là đặc tính chính yếu nhưng còn
cần thiết cho khế ước hôn nhân. Giáo lý công giáo tin rằng đặc tính này
đã xuất hiện từ thời kỳ đầu của Giáo hội. Đặc tính này cũng để chông
slại với quan niệm hôn nhân của người Roma. Đặc tính bất khả phân ly của
định chế hôn nhân được dặt nền tảng trên lời giáo huấn của Đức Kitô ghi
trong Tin mừng Mt 19,6.
b. Điều 1057 §1: “Hôn nhân thành tựu do sự ưng thuận của đôi bên, được
phát biểu hợp lệ giữa những người có khả năng pháp luật; dự ưng thuận ấy
không thể thay thế bởi bất cứ một thế lực nhân loại nào”.
§2 “Sự ưng thuận kết hôn là một hành vi của ý chí, do đó, người nam và
người nữ trao thân cho nhau và chấp nhận nhau để tạo lập hôn nhân, bằng
một giao ước không thể thu hồi lại”.
Cần có sự ưng thuận của hai người nam nữ, bởi vì hôn nhân là định chế
đặc biệt của đời sống. Nó đòi hỏi sự trao đổi ưng thuận phải là một hành
vi tự do của ý muốn hai bên, không phải do bên ngoài như của cha mẹ hay
người giám hộ.
Trong khoản 2 của điều 1057 qui định sự ưng thuận kết hôn phải được
trình bày hợp pháp. Tức là hành vi bên trong của ý muốn phải được biểu
lộ ra bên ngoài bằng “lời nói hay thía độ”, nhưng phải theo những qui
định hợp pháp. Những hình thức này được đưa vào Giáo luật cũng như trong
qui định của dân luật cho thấy rằng hôn nhân không phải chỉ là vấn đề
riêng tư, nhưng là tương quan với xã hội và Giáo hội. Hầu hết các quốc
gia đều qui định các qui tắc có liên quan tới hôn nhân.
Vào đầu thế kỷ thứ I, thánh Ignatio thành Antiokia bắt buộc các kitô hữu
phải đến trình diện với vị Giám mục để lãnh nhận lời chúc phúc khi kết
hôn, mặc dù vào thời kỳ đó việc này không đòi hỏi để hôn nhân thành sự.
Điều kiện đòi phải bày tỏ sự ưng thuận theo hình thức pháp luật, được
qui định trong chương V. từ điều 1108 đến điều 1123.
Quyền được kết hôn: mặc dù quyền kết hôn là một trong những quyền căn
bản nhất của con người nhưng không tuyệt đối. Việc qui định điều kiện
cần phải có để được phép kết hôn thuộc thẩm quyền của luật pháp quốc gia
và luật Giáo hội, vì lợi ích của đôi vợ chồng, lợi ích của các con và
lợi ích của cộng đoàn xã hội. Điều kiện để kết hôn thành sự là đương sự
phải tự do kết hôn, không vướng mắc những ngăn trở mà Luật đã đưa ra, ví
dụ như phải đủ tuổi mới được phép kết hôn, không mắc bệnh hoa liễu,
HIV…
c. Điều 1083 qui định về tuổi để kết hôn:
§1 “Người nam chưa đủ 16 tuổi, người nữ chưa đủ 14 tuổi không thẻ kết hôn hữu hiệu”.
§2 “Hội đồng Giám mục có quyền ấn định tuổi lớn hơn để kết hôn hợp pháp”.
- Dân luật về Hôn nhân và Gia đình qui định: Nam từ 20 tuổi trở nên, nữ từ 18 tuổi trở nên mới được phép kết hôn (đ5).
III. MỘT SỐ NHỮNG NGĂN TRỞ
LÀM CHO HÔN NHÂN VÔ HIỆU
Trong những trường hợp sau đây, đương sự không được phép kết hôn:
1. Theo dân luật về hôn nhân và gia đình
a. Một trong hai người vẫn còn bị ràng buộc bởi một hôn nhân có trước rồi (đ.4b và 7a hôn nhân và gia đình).
b. Một trong hai người chưa tới tối thiểu do luật pháp qui định (đ.4a).
c. Bị ép buộc không được tự do kết hôn (đ.6).
d. Đang mắc bệnh tâm thần, không có đủ khả năng nhận thức hành vi của mình, đang mắc bệnh hoa liễu (đ.7b).
e. Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa anh chị em cùng cha cùng mẹ (đ.7c).
f. Giữa cha mẹ nuôi với con nuôi (đ.7đ).
g. Mắc bệnh hoa liễu, AIDS (đ.7c. Nhi định 184/CP).
2. Theo sự quy định của Giáo luật:
a. Điều 1085§1: “Người còn bị ràng buộc bởi một hôn nhân trước, cho dù chưa hoàn hợp, không thể kết hôn hữu hiệu”.
§2 Cho dù hôn phối trước vô giá trị hay bị đoạn tiêu vì bất cứ lý do
nào, nhưng không thể vì thế mà được phép kết hôn lại khi chưa biết cách
chắc chắn và hợp lệ sự vô hiệu hoặc sự đoạn tiêu của hôn phối trước”.
Khi một trong hai người còn vướng mắc ngăn trở trước đó, thì không thể
kết hôn thành sự. Dây liên kết hôn nhân là một thực thể liên kết hai
người, khi bày tỏ sự ưng thuận. Nó đem lại hiệu quả pháp lý là sự trung
tín hỗ tương. Mối dây hôn nhân này thực sự hiện hữu cùng với sự ưng
thuận, dù sau này có muốn cắt đứt cũng không được (xem thêm Gaudium et
Spes số 49).
Trường hợp giữa hia người nam nữ chưa Rửa tội, hay chỉ một người chưa
rửa tội, thì lúc đó dãy hôn nhân thực sự hữu hiệu về phương diện dân sự.
Nếu sau này cả hai vợ chồng đều được Rửa tội thì đương nhiên có Bí tích
Hôn nhân không cần kết hôn lại.
Ngăn trở dây hôn nhân chỉ chấm dứt khi một trong hai người qua đời. Đối
với Bí tích hôn nhân thành sự mà chưa hoàn hợp, nếu muốn tháo gỡ thì chỉ
Đức Giáo hoàng mới có quyền tháo gỡ (xem điều 1142). Hôn nhân tự nhiên
không phải là Bí tích cũng chỉ chấm dứt khi một trong hai người qua đời
hay do ân huệ của Thánh Phaolô để bảo vệ đức tin (xem đ.1143).
b. Điều 1103: “Hôn phối sẽ vô hiệu nếu được kết lập vì bạo lực, hay sợ
hãi trầm trọng do một duyên cớ ngoại tịa, cho dù không chủ ý trực tiếp
gây ra, nhưng để thoát khỏi nó, người ta bị bó buộc đành phải lựa chọn
giải pháp kết hôn”.
Khế ước hôn nhân chỉ hữu hiệu khi được hai bên nam nữ tự do kết hôn. Sự
tự do ưng thuận để kết hôn không phải chỉ là một thứ khế ước như các khế
ước khác, nhưng nó là hành động nhờ đó đôi vợ chồng bày tỏ sự ưng thuận
trọn vẹn tự hiến cho nhau.
Bạo lực thường được hiểu là sức mạnh thể lý hay sự cưỡng bách luân lý mà
con người không thể chống cự lại. Theo điều luật này, người chọn giải
pháp kết hôn vì để tránh sự xấu lớn hơn. Nếu không có bạo lực bên ngoài
đưa tới, người đó sẽ không bao giờ chọn giải pháp kết hôn.
Sự đe dọa bao gồm thiệt hại tới cơ thể, có thể là áp lực về phương diện
tinh thần, luân lý, như sự đe dọa bỏ tù, làm mất danh dự, mất việc làm,
v.v… Bởi vì sự hiện hữu của sức mạnh này và sự sợ hãi đưa tới khiến
người ta bắt buộc phải kết hôn để tránh thiệt hại.
Sự sợ hãi từ bên ngoài đưa tới có thể làm “mất trí khôn”. Nếu sức mạnh
và sự sợ hãi là lý do chính yếu của hôn nhân, thì sự ưng thuận kết hôn
không thành sự (Sự sợ hãi nặng nề bên ngoài không thể tránh được trừ
trường hợp phải kết hôn).
Nói chung, ở chương III Bộ Giáo luật 1983 có qui định tất cả 12 loại
ngăn trở khiến cho hôn nhân thành vô hiệu. Các loại ngăn trở đó được qui
định từ điều 1083 đến điều 1094. Khi một người chuẩn bị kết hôn cần
phải biết 12 loại ngăn trở này, đồng thời tránh trường hợp mắc ngăn trở,
nếu không sẽ dẫn tới hậu quả là hôn nhân không thành sự.
IV. HÔN NHÂN THÀNH SỰ VÀ HỢP PHÁP
Nếu một trong hai người còn vướng mắc các nhăn trở được nêu ra trong các
trường hợp trên, dù hai người có kết hôn thì chỉ là sống chung bất hợp
pháp, chứ không thể trở thành hôn nhân hữu hiệu.
Một cách tổng quát, đối với những ngăn trở thuộc luật Thiên Chúa thì
thẩm quyền Hội thánh không có quyền chuẩn chước điều gì, ví dụ: hôn nhân
một vợ một chồng, ngăn trở kết hôn họ máu như cha với con gái, anh chị
em ruột, v.v…
Còn những ngăn trở do Hội thánh thiết lập thì thẩm quyền Hội thánh có
quyền chuẩn chước. Sau khi được chuẩn chước các ngăn trở, thì hôn nhân
lại trở nên thành sự và hợp pháp. Đối với các hôn nhân khác tôn giáo,
muốn chuẩn chước thì phải nhờ đến ơn huệ Thánh Phaolô đã được Thánh nhân
ghi trong thư 1 Cr 7,14. Giáo luật hiện hành cũng qui định ơn huệ này
từ điều 1124 tới điều 1129 thuộc chương VI.
- “Hôn nhân hỗn hợp”, hiểu theo nghĩa rộng, là hôn nhân giữa người Công
giáo và người không Rửa tội (còn gọi là hôn nhan khác đạo). Theo nghĩa
hẹp, hạn từ này chỉ hôn nhân giữa những người được Rửa tội theo và không
theo nghi thức Công giáo.
Giáo luật năm 1917 qui định về hôn nhân hỗn hợp tôn giáo nơi điều 1061 là một ngăn trở gọi là ngăn trở khác đạo.
- Trường hợp hôn nhân giữa người Công giáo và các phần tử theo lạc giáo
hay ly giáo, ngay từ thời kỳ sơ khai, Giáo hội chống lại việc kết hôn
với người theo đạo Do thái hay với người theo Lạc giáo. Đến thế kỷ thứ
12 và 13 hôn nhân Công giáo với người theo lạc giáo hay ly giáo thì rõ
ràng bị cấm. Tuy nhiên, chúng được coi như kết hôn thành sự vì được đặt
trên nền tảng là sự lãnh nhận Bí tích Rửa tội của mỗi bên kết hôn. Thời
kỳ này không có bằng chứng nào chứng tỏ có Đức Giáo hoàng hay vị Giám
mục nào đã chuẩn chước cho trường hợp “hôn nhân hỗn hợp” Vấn đề này rõ
ràng chưa được đặt ra, và kéo dài mãi cho tới sau Công đồng Trente.
Công đồng Trente không trực tiếp đề cập tới trường hợp “hôn nhân hỗn
hợp”. Tuy nhiên, sự kết hôn này bị ngăn cấm một cách gián tiếp do sắc
lệnh “Tametsi”. Theo đó, cha sở bị cấm không được chứng hôn cho người
Công giáo kết hôn với người theo lạc giáo trừ khi bên lạc giáo đã thề từ
bỏ sự lầm lẫn của mình mà quay trở về với Giáo hội Công giáo. Vào thế
kỷ thứ 18, Giáo hội bắt đầu ban phép chuẩn chước cho người Công giáo
được kết hôn với người khác đạo. Đầu tiên, quyền chuẩn chước được dành
cho Đức Giáo hoàng, khi các người muốn kết hôn hứa từ bỏ lạc giáo. Hơn
nữa, việc đòi hỏi hai bên phải thực hành đức tin Công giáo và hứa sẽ
giáo dục con cái theo giáo lý Công giáo là điều kiện để được chuẩn
chước.
Cuối thế kỷ 19, các vị Giám mục trong các xứ truyền giáo có năng quyền
để chuẩn chước các trường hợp hôn nhân hỗn hợp. Lý do chính yếu của việc
cấm người Công giáo kết hôn với người không Công giáo là vì cho rằng sự
kết hôn như thế gây ra nguy hiểm nặng cho việc thực hành đức tin của
bên Công giáo cũng như việc nuôi dạy con cái theo gióa lý Công giáo.
Trong những thập niên mới đây, đặc biệt thời gian sau Công đồng Vatican
II đã có nhiều thay đổi trong giáo luật và quan niệm Thần học đối với
“hôn nhân hỗn hợp”. Sự thay đổi này một phần do bối cảnh xã hội ngày
nay, đó là có nhiều kitô hữu không thuộc giáo hội Công giáo Roma sống
rải rác khắp nơi trên thế giới dẫn đến hôn nhân hỗn hợp thường xảy ra và
được luật pháp của các quốc gia chấp nhận.
Công đồng Vatican II cũng đã chấp nhận quan điểm tiến bộ đi tới đại kết:
tôn trọng tự do tín ngưỡng của mọi người. Sự thay đổi quan niệm đối với
các trường hợp hôn nhân hỗn hợp liên hệ tới ba lãnh vực chính yếu.
a. Bản chất của sự ngăn cấm chống lại hôn nhân hỗn hợp
b. Công thức của lời cam kết đòi phải có
c. Hình thức phụng vụ cho các lễ hôn nhân hỗn hợp
Điều 1124 qui định: “Nếu không có phép rõ ràng của nhà chức trách có
thẩm quyền, hôn phối bị cấm chỉ giữa hai người đã rửa tội, mà một người
đã được rửa tội trong Giáo hội Công giáo, hoặc đã được nhận vào Giáo hội
Công giáo sau khi rửa tội và chưa công khia bỏ Giáo hội Công giáo, với
một người thuộc về giáo hội hay Giáo đoàn không hiệp thông hoàn toàn với
Giáo hội Công giáo”.
Điều 1125: “Nếu có lý do chính đáng và hợp lý, Bản quyền sở tại có thể
ban phép ấy; tuy nhiên, đừng nên ban phép khi chưa hội đủ những điều
kiện sau đây:
1. Bên Công giáo phải tuyên bố sẵn sàng xa tránh mọi nguy cơ làm thiệt
hại đức tin, và hứa thành thật sẽ làm hết mọi sự có thể để con cái được
rửa tội và giáo dục trong Giáo hội Công giáo.
2. Vào lúc thuận lợi, phải cho bên kia biết những lời hứa mà người
Công giáo phải giữ, để chính họ được thực sự ý thức về lời hứa và bổn
phận của bên Công giáo.
3. Cả hai bên phải được giáo huấn về các mục đích và đặc tính cốt yếu
của hôn nhân, và không bên nào được loại bỏ các điều ấy.
Trước khi ban phép lành cho kết hôn hỗn hợp, cần phải xem “lý do quan
trọng và chính đáng” xem có hội đủ các điều kiện luật pháp đòi hỏi hay
không. Đấng Bản Quyền không nên tức khắc ban phép chuẩn chước, cho dù có
đủ điều kiện, nhưng phải xét đoán khôn ngoan khi quyết định, nếu thấy
rằng sự ban phép chuẩn sẽ sinh ích lợi hơn cho bên đang có đạo.
Cha sở nơi sẽ cử hành hôn lễ, chịu trách nhiệm quyết định chính thức về
sự hợp pháp của hôn nhân hỗn hợp, cũng như hoàn thành các nghĩa vụ khác
mà luật pháp đòi hỏi.
Lý do quan trọng và chính đáng chính là thực sự ước muốn kết hôn. Hai
bên kết hôn phải đạt tới mức trưởng thành, hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ
của bí tích hôn nhân, và đó được coi như có đủ lý do để ban phép chuẩn.
Giáo luật 1125 khoản hai khác với giáo luật 1917 là bên ngoại giáo cam
kết tránh mọi sự nguy hiểm cho đức tin Công giáo và làm mọi sự để con
cái được rửa tội, và giáo dục theo giáo lý Công giáo. Khoản ba cần phải
được hoàn tất là hướng dẫn cho các bên kết hôn về mục đích chính yếu và
đặc tính của hôn nhân Công giáo cùng với sự giải thích đầy đủ về quan
niệm thần học bản chất cộng đồng đời sống vợ chồng. Mục đích của hôn
nhân và các đặc tính của hôn nhân là trung tín và bất khả phân ly. Không
bên nào được loại bỏ những đặc tính chính yếu này.
V. NGĂN TRỞ HỌ HÀNG
Dân Luật về hôn nhân và gia đình (điều 7c) có qui định câms kết hôn trong những trường hợp sau:
- Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa anh chị em cùng cha
mẹ, cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, giữa những người khác có họ
trong phạm vi ba đời.
- Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi.
1. Cách tính liên hệ họ hàng:
- Dòng họ: là những người cùng có một gốc chung.
- Trực hệ: là họ hàng dọc như cha mẹ, con …
- Bàng hệ: hay hàng ngang khi các người đó tuy chung một gốc nhưng không bởi nhau mà sinh ra (thí dụ anh em ruột, anh em họ)
- Cấp bậc: là sự xa gần giữa hai người.
Theo Giáo luật 108§2: Trong hàng dọc (trực hệ), có bao nhiêu đời người
thì có bấy nhiêu cấp, nghĩa là tính theo số người sinh bởi gốc chung
nhưng không tính chính gốc ấy.
Điều 108§3: Trong hàng ngang (bàng hệ), các cấp được tính theo bao nhiêu
người trong cả hai hàng cùng bởi gốc chung, nhưng không tính chính
gốc.
Cách tính họ hàng của Giáo luật hiện hành (1983) khác với cách tính họ
hàng của luật 1917 – Giáo luật hiện hành theo cách tính của La mã cũng
là cách tính của người Pháp.
- Cách tính họ hàng của Luật 1917 dựa theo cách tính của Đức.
- Theo Giáo luật 1917, hai anh em chú bác tính là có họ máu ở bậc hai
đồng hàng. Nhưng theo luật hiện hành, tính là có họ máu ở cấp 4.
Vậy ông cậu (số 4) với cháu trai hay gái (số 1) cũng là cấp 4 họ máu (xem hình dưới).
Như vậy theo luật 1983 thì con của ông cậu với cháu trai, gái được phép kết hôn với nhau vì đã ngoài 4 cấp.
Trong khi đó luật 1917 gọi quan hệ ông cậu với cháu là có họ máu ở cấp 3 ‘nhân cấp’ với cấp 1 (nhân cấp: multiplicatur).
2. Các ngăn trở họ máu
a. Có ngăn trở ở tất cả các cấp trực hệ, còn đối với bàng hệ thì chỉ hết cấp bậc 4.
Điều luật 1091§1: Trong trực hệ, hôn nhân giữa tất cả thân thuộc, dù chính thức hay tự nhiên, đều là vô hiệu.
§2 Trong bàng hệ, hôn nhân vô hiệu cho đến hết cấp thứ 4.
§3 Ngăn trở về huyết tộc không nhân cấp (non miltiplicatur).
§4 Không bao giờ được cho phép kết hôn khi có hoài nghi đôi bên có cùng
liên hệ huyết tộc trong bất cứ cấp nào của trực hệ hay trong cấp thứ hai
của bàng hệ.
Sự ngăn cấm kết hôn giữa những người cùng họ máu đã có từ thủa xa xưa
mặc dù sự ngăn cấm thời đó khác bây giờ. Luật pháp và phong tục cấm kết
hôn họ máu, mục đích chính yếu là tránh sự loạn luân trong bộ lạc. Các
xã hội thường lên án sự giao hợp giữa người có tương quan họ máu như là
một sự loạn luân dâm ô, đồi bại.
Nói chung, sự kết hôn của những người trong họ máu gấn có hậu quả không
tốt về việc bảo tồn nòi giống, hơn nữa nó làm cho chia rẽ sự duy nhất
của Đại gia đình.
Luật Thiên Chúa ngăn cấm tất cả mọi cuộc kết hôn giữa người trong hàng
dọc (cha, mẹ, con cái) và hàng ngang thứ hai (như anh chị em ruột).
VI. KHÔNG HIỂU RÕ HAY KHÔNG CAM KẾT ĐÍCH THỰC TRONG HÔN NHÂN
Nếu một bên hay cả hai bên thiếu sự hiểu biết, hay thiếu sự cam kết đích
thực trong hôn nhân thì làm cho việc kết hôn vất thành sự. Sau đây là
một số trường hợp điển hình.
1. Không hiểu biết ý nghĩa của hôn nhân là gì (điều 1095-1096).
Trường hợp một trong hai người kết hôn không có đủ trí khôn để hiểu biết
ý nghĩa của hôn nhân, cũng như các nghĩa vụ trong hôn nhân thì làm cho
việc kết hôn không thành sự.
2. Kết hôn lầm người, không phải người mình chọn (đ 1097§1) thì làm cho hôn nhân thành vô hiệu.
Điều 1097§1 trong giáo luật hiện hành có liên quan tới điều 1083 của
luật 1917 qui định trường hợp lầm lẫn trong sự ưng thuận khi kết hôn, cụ
thể là lầm lẫn về người, hay có thể lầm lẫn về phẩm chất của một người,
bao gồm sự lầm lẫn trong những phán đoán sự kiện hay yếu tố quyết định
trong việc ưng thuận kết hôn.
Có hai trường hợp được nêu ra:
a. “Sự lầm lẫn về thể nhân, làm cho hôn nhân vô hiệu”. Đây là sự lầm lẫn
về điểm chính yếu có ảnh hưởng tới chính đối tượng của khế ước, đưa tới
sự lầm lẫn trong sự ưng thuận của đôi bên kết hôn.
b. Lầm lẫn liên quan tới phẩm chất của người kết hôn: trong giáo luật
1917 qui định rằng sự lầm lẫn về phẩm chất người kết hôn không làm đoạn
tiêu hôn nhân, khi phẩm chất này chỉ có tính cách phụ thuộc không phải
là chính yếu trong khi kết hôn, trừ hai trường hợp:
- Sự lầm lẫn hoàn cảnh nô lệ, ví dụ như nô tì Isaura kết hôn với người
tự do, mà cô ta chưa được giải phóng khỏi tình trạng nô tì.
- Sự lầm lẫn về phẩm chất đưa tới sự lầm lẫn về chính người, ví dụ: tôi chỉ lấy anh nếu anh là hoàng tử, bác sĩ…
Trong trường hợp có lầm lẫn về người làm cho hôn nhân vô hiệu, vì sự ưng
thuận khi kết hôn như là tặng vật của người này trao cho người kia, đòi
hỏi phải có sự hiểu biết về người mà họ bày tỏ sự ưng thuận kết hôn, sự
ưng thuận kết hôn với người nào đó cụ thể, cá biệt. Nếu có sự lầm lẫn
về căn tính của người kết ước, thì sự ưng thuận sẽ trở thành vô hiệu, vì
đưa tới sự lầm lẫn về bản thể chính yếu. Do đó, bản thể của khế ước hôn
nhân không thành sự. Nếu phẩm chất chính yếu của một người đi liền với
chính người đó thì sự lầm lẫn về phẩm chất nên coi là lầm lẫn chính yếu
chứ không phải phụ thuộc, đây chính là quan niệm đã được thánh Thomas
nêu ra, sau đó được nhà thần học Sanchez giải thích một cách chặt chẽ.
Còn thánh Alphonso Liguori giải thích cách rộng rãi. Sanchez chủ trương
phẩm chất bị lầm lẫn thì phải là duy nhất và riêng biệt, chỉ có riêng cá
nhân đó mới có, như những phẩm chất xác định người này mà không phải là
người khác, vì sự ưng thuận kết hôn nhằm trực tiếp phẩm chất đó, thứ
đến là về nhân vị.
Thánh Thomas nêu thí dụ điển hình về trường hợp là con nhà vua (Tôi chỉ
kết hôn với anh, nếu anh là hoàng tử). Trong khi đó, thánh Alphonso lại
chủ trương rằng phẩm chất này thì không cần phải duy nhất cho một người,
nó có thể chung cho nhiều người. Tuy nhiên phẩm chất này lại là mối
quan tâm, lợi ích trước tiên cho một người khi bằng lòng kết hôn.
Mặc dù các nhà giáo luật theo truyền thống chấp nhận quan điểm của
Sanchez, các án lệ mới đây lại theo đường lối của thánh Alphonso. Quan
điểm này được đặt nền tảng trên việc định nghĩa con người không giới hạn
vào ‘bản thể’ và ‘phụ thể’, nhưng còn bao gồm cả địa vị xã hội, sức
khỏe, văn hóa… Án lệ mới đây quyết định hôn nhân bị vô hiệu vì lý do lầm
lẫn về phẩm chất, tuy là phẩm chất chung nơi nhiều người. Nếu sau khi
kết hôn mới phát hiện ra sự lầm lẫn này và phẩm chất này thực sự ảnh
hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới cuộc sống chung hòa thuận thì hôn nhân
bị vô hiệu.
3. Khi có sự lừa gạt trong hôn nhân thì giải quyết như thế nào?
Giáo luật 1098: “Ai kết hôn do sự lường gạt được bày ra vì mưu chước để
cho mình ưng thuận, nếu sự lường gạt ấy liên hệ đến tư cách của người
phối ngẫu, tư cách này làm phiền nhiễu nặng nề cuộc sống chung của vợ
chồng thì sự kết hôn trở thành vô hiệu”.
Lý do vì cộng đoàn hôn nhân đặt nền trên sự thánh thực của đôi vợ chồng,
và sự ưng thuận kết hôn không chỉ đơn giản là trao đổi những quyền hạn
trừu tượng, nhưng là sự trao ban chính con người cho nhau. Sự thành thực
về căn tính và trọn vẹn nhân vị là vấn đề chính yếu, bởi vì hôn nhân
liên quan tới cảm xúc, tâm lý, tính tình của hai vợ chồng thành một
xương thịt.
Sự lường gạt liên quan tới phẩm chất tính chính yếu làm cho sự ưng thuận không được tự do, không có ý muốn thực sự.
Những yếu tố chính yếu được chứng minh là đã bị lừa dối làm cho hôn nhân trở thành vô hiệu như là:
a. Hoàn cảnh tự do khi ưng thuận: khi người chủ trương lường gạt tin
rằng nếu bên kia khám phá ra sự thật liên quan tới điều muốn lường gạt
thì sẽ không ưng thuận kết hôn. Như vậy, không được lường gạt về phẩm
chất chính yếu, vì sẽ làm cho hôn nhân trở thành vô hiệu.
b. Phẩm chất phải thực sự quan trọng và hiện hữu trong thời gian ưng
thuận kết hôn. Phẩm chất phải là hoàn cảnh thực sự của cá nhân đang có
trong hiện tại, chứ không phải là trong quá khứ. Nó phải là quan trọng
khách quan hay chủ quan, có nghĩa là nếu che dấu hay lường gạt thì
thương đem lại sự thiệt hại bất công đối với người phối ngẫu kia.
c. Khi khám phá ra sự lường gạt thì bên bị lường gạt sẽ thay đổi quan hệ
vợ chồng, thực sự không thể sống chung hòa thuận. Sự phá vỡ hôn nhân
phải là trực tiếp liên quan tới sự khám phá ra sự lường gạt phẩm chât
này. Ví dụ có một số những phẩm chất quan trọng như là về phái tính, về
niềm tin Công giáo, hoặc có thói xấu như đồng tính luyến ái, nghiện
rượu, bệnh tâm thần.. Những phẩm chất này nếu bị lường gạt có thể làm
cho khế ước hôn nhân trở thành vô hiệu.
VII. TRƯỜNG HỢP NGƯỜI PHỐI NGẪU MẤT TÍCH
Phần này trình bày về việc suy đoán sứ mệnh của người phối ngẫu (Giáo luật 1707).
Trường hợp này thường xảy ra khi có người mất tích lâu năm mà không có
bằng chứng qua đời (thường là trong những hoàn cảnh chiến tranh, vượt
biên… chồng ở Mỹ, vợ Việt mất tích lâu ngày…)
Điều 1707§1 nói đến sự suy đoán (“sự phỏng đoán hữu lý về một việc không
chắc chắn”; xc. GL 1584) sự mệnh một thuộc quyền Giám mục giáo phận
tuyên bố.
Khoản 2 đòi hỏi có một sự chắc chắn luân lý về sự mệnh một của người
phối ngẫu; một sự chắc chắn có được không phải là nhờ giấy chứng tử,
nhưng nhờ các phương diện khác (tiếng đồn, các dấu hiệu…).
Đây là vấn đề lịch sử, đã xuất hiện từ lâu đời, từ thời Đức Giáo hoàng
Clement III (1187-1191), đã được chép lại cho tới ngày nay, nhưng không
phải là trường hợp điển hình cho các trường hợp khác. Trong đó qui định
rằng người phụ nữ mà chồng nàng đã mất tích nhiều năm, không được tự do
kết hôn trừ khi nàng nhận được một số tin tức chắc chắn về sự qua đời
của người chồng.
Hai huấn thị đề cập tới vấn đề này có ghi chú đặc biệt: Huấn thị thứ
nhất tên là ‘Cum Alias’ (năm 1670). Huấn thị thứ hai là ‘Cum Matrimonli’
(năm 1868).
Huấn thị ‘Cum Alias’ lưu ý các trường hợp:
- Nếu một người qua đời tại Bệnh viện, chứng từ để làm chứng sự qua đời se do Giám đốc bệnh viện cấp.
- Nếu an táng tại Giáo xứ thì Cha xứ cấp.
- Nếu một người chết trận thì do Chỉ huy trưởng cấp.
Tuy nhiên, huấn thị đó ghi thêm: “Nếu bằng chứng đó không phù hợp, thì
Thánh Bộ không loại trừ những bằng chứng khác thường được chấp nhận
trong luật; nó cùng được coi là đầy đủ và hợp pháp”. Huấn thị
‘Matrimonli Vinculo’ đã giúp giải quyết toàn bộ vấn đề về bằng chứng sự
qua đời từ năm 1868. Đến khi luật ban hành năm 1983 mới đem lại những
nguyên tắc để giải quyết vấn đề này. Nếu một hay hai nhân chứng làm
chứng bằng sự hiểu biết của mình về người qua đời, hoặc là nhân chứng
chỉ nghe tin đồn hay phỏng đoán cũng kể là chắc chắn về bằng chứng sự
qua đời. Ví dụ: trong một vụ vượt biên, có hai vợ chồng và một đứa con,
đang sống trong tình trạng yêu thương; một đêm kia khi lên thuyền vượt
biên ra nước ngoài, vợ lên thuyền trước chồng và con lên sau, bất ngờ có
tiếng súng, thuyền bỏ chạy; chồng và đứa con ở lại; trên biển gặp hải
tặc, người vợ bị bọn hải tặc lên thuyền bắt, người em cùng đi bênh vực
chị bị đánh gãy tay; hiện giờ người em làm chứng là chi đã chết vì theo
suy đoán bị bắt lâu ngày mà không có tin, nếu còn sống chắc chắn sẽ gửi
thư liên lạc. Do đó, có thể suy đoán là người vợ qua đời, để người chồng
có thể kết hôn (chồng và gia đình cũng đã hỏi khắp các nước mà vẫn bặt
tin vợ).
Điều 1707§1 “Mỗi khi sự mệnh của một người phối ngẫu không được chứng
minh bằng tài liệu công chứng của giáo quyền hay chính quyền, người phối
ngẫu kia không được tự thóa bỏ hôn hệ, nếu không được Giám mục giáo
phận tuyên bố sự suy đoán tử vong”.
§2 “Giám mục giáo phận chỉ có thể ra tuyên cáo nói ở khoản 1, sau khi đã
điều tra cẩn thận, qua các lời cung khai của các nhân chứng, qua tiếng
đồn hay qua các dấu hiệu khác, hầu nắm được sự chắc chắn luân lý về sự
mệnh một của người phối ngẫu. Nguyên sự thất tung, tuy đã lâu dài, không
đủ để có thể tuyên bố qua đời”.
§3 “Trong những trường hợp không chắc và phức tạp, Giám mục phải hỏi ý kiến của Tòa Thánh”.
VIII. MỤC VỤ GIÚP CHO ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN
Mục đích của Giáo luật nhằm hướng dẫn, xây dựng và bảo vệ hạnh phúc cho
những người ưng thuận sống đời vợ chồng, bảo vệ lợi ích của cộng đoàn xã
hội và con cái. Đồng thời, Giáo luật cũng nhắc nhở những vị có trách
nhiệm mục vụ hướng dẫn giáo dục cho những người bước vào đời sống hôn
nhân được trưởng thành và am tường về đời sống gia đình.
Trong thực tế, không ít các cuộc hôn nhân đi tới sự đổ vỡ thất bại, một
phần là vì những người có liên quan tới hôn nhân không quan tâm thi hành
những điều mà giáo luật đã qui định về mục vụ và cử hành hôn lễ từ điều
khoản 1063 tới điều 1072.
Điều 1063 “Các chủ chăn có bổn phận lo liệu sao cho Cộng đoàn Giáo hội
của mình biết trợ giúp các tín hữu bảo toàn bậc sống hôn nhân theo tinh
thần kitô giáo, thăng tiến bậc sống hôn nhân trên đường trọn lành. Sự
trợ giúp trước hết phải được thực hiện:
1. “Bằng việc rao giảng, huấn luyện giáo lý thích hợp cho vị thành niên,
thanh niên và người lớn, kể cả qua việc sử dụng các phương tiện truyền
thông xã hội, ngõ hầu các tín hữu được giáo dục về ý nghĩa của hôn nhân
kitô giáo và về ngiã vụ cảu vợ chồng và của cha mẹ côn giáo”.
2. “Bằng việc chuẩn bị riêng cho những người sắp kết hôn, để đôi bạn
được sửa soạn để lãnh nhận sự thánh thiện và những bổn phận của bậc sống
mới”.
3. “Bằng việc cử hành phụng vụ hôn phối cách chu đáo, để làm sáng tỏ
rằng đôi bạn trở thành dấu chỉ và tham dự vào mầu nhiệm hiệp nhất và
tình yêu phong phú giữa Cháu Kitô và Giáo hội”.
4. “Bằng sự giúp đỡ các đôi bạn sống trung thành với giao ước vợ chồng,
để mỗi ngày họ thêm thánh thiện và hoàn hỏa hơn trong đời sống gia
đình”.
Điều 1063 nhắc nhở các vị mục tử có nghĩa vụ trợ giúp cho các đôi bạn
sửa soạn kết hôn hay đã kết hôn rồi. Giáo luật 1064 cũng nhắc nhở “Bản
quyền sở tại phải lo liệu để sự trợ giúp nói trên được tổ chức cẩn thận
và nếu thấy thuận tiện, nên bàn hỏi với những người nam nữ từng trải,
kinh nghiệm và chuyên môn”. Điểm quan trọng của điều khoản này là nêu
lên trách nhiệm nặng nề của các mục tử đối với hôn nhân kitô giáo, đặc
biệt trong hoàn cảnh xã hội hiện nay. Một số những qui định về hôn nhân
được ghi trong hiến chế ‘Gaudium et Spes’ số 47. Ủy ban Tòa Thánh về hôn
nhân và gia đình tuyên bố: những khủng hoảng lớn xảy ra tại các gia
đình nơi các quốc gia Âu châu và Bắc Mỹ phát xuất từ việc quá lo lắng
đến sự thành đạt vật chất, não trạng cá nhân chủ nghĩa mạnh mẽ… Đời sống
hôn nhân và gia đình rất cần thiết cho xã hội Công giáo và việc Phúc âm
hóa các dân tộc… Cần quan tâm tới các nhu cầu tinh thần của người sắp
sửa hay đã kết hôn để đào tạo nên những người trưởng thành, hiểu rõ
nghĩa vụ vợ chồng…
Mục vụ liên quan tới ba vấn đè chính:
- Dạy giáo lý tổng quát cho tất cả mọi kitô hữu kết hôn.
- Sửa soạn gần để kết hôn.
- Giúp đỡ sau khi kết hôn.
a. Dạy giáo lý tổng quát: sự hiêu biết về hôn nhân và chuẩn bị đời sống
gia đình là một nhu cầu khẩn thiết. Ủy ban Giáo hoàng về hôn nhân và gia
đình nhìn nhận là vẫn còn có sự thiếu sót trong vấn đề chuẩn bị này.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II lưu ý: Cần chuẩn bị cho người trẻ về đời
sống hôn nhân gia đình. Có nhiều chuyện đáng tiếc đã xảy ra, vì thiếu sự
chuẩn bị chu đáo; nhiều người trẻ mất cái nhìn đúng về phẩm chất, thứ
bậc trong gia đình, vì họ không có tiêu chuẩn khách quan về đức hạnh. Họ
không biết làm thế nào để đương đầu với những khó khăn mới. Kinh nghiệm
cho thấy những người được chuẩn bị chu đáo về đời sống gia đình thì
thường sống hạnh phúc và thánh công hơn những người khác.
Học Giáo lý là điều rất cần thiết. Các vị lãnh đạo phải dành nhân khoản đặc biệt để huấn luyện giáo lý trong xứ đạo mình.
Dạy giáo lý tổng quát không phải chỉ gồm một số bài giảng là đủ, nhưng
phải nằm trong toàn bộ chương trình giáo dục của các xứ đạo, địa phận.
Khi đề cập tới vấn đề giáo dục đức tin tổng quát, Giáo Luật 1917 chỉ
nhấn mạnh tới việc để phòng tránh các ngăn trở khi kết hôn. Luật 1983 đề
cập tới những khía cạnh rộng lớn như là về bản chất và đòi hỏi của
tương quan nhân vị, nuôi nấng con cái, trách nhiệm hôn nhân như là ơn
gọi Kitô hữu trong cộng đoàn Giáo hội.
b. Chuẩn bị cho người sắp kết hôn: Phải chuẩn bị cho đáo cho những người
sắp kết hôn. Trước khi đôi bạn kết hôn, cần áp dụng những hình thức và
luật lệ mà giáo luật cho phép để khám phá các bí mật làm ngăn trở, các
yếu tố không thuận lợi cho việc kết hôn. Đôi bạn cần hiểu rõ khía cạnh
tâm, sinh lý, văn hóa, xã hội, nhân sinh quan, tình yêu của chính mình
và người phối ngẫu. Đôi bạn cần phải có sự trưởng thành tâm lý và hiểu
biết về giáo lý Công giáo mới dễ dàng tạo lập một gia đình hạnh phúc
hơn. Hai vợ chồng cũng cần phải nhất trí với nhau về số con và việc giáo
dục con cái.
Việc chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân cần có sự cộng
tác của các vị linh mục có khả năng, các phó tế, nhất là các phó tế vĩnh
viễn, cá tu sĩ, các giáo dân đã sống đời gia đình, các chuyên viên về
gia đình.
c. Các nghi lễ kết hôn: Giáo luật 1063§3 qui định việc cử hành phụng vụ
phải làm nổi bật sự kiện là đôi vợ chồng hoàn toàn tự do ưng thuận kết
hôn, đảm nhận ơn gọi gia đình trong cộng đồng kitô giáo. Tất cả nghi
thức phụng vụ phải phản ánh sự kiện là tình yêu vợ chồng được thánh hóa,
nâng lên hàng Bí tích. Vì vậy làm cho mọi người hiểu hôn nhân kitô
giáo. Trải qua nhiều thế kỷ, nghi thức phụng vụ đã gắn liền với hôn
nhân, diễn tả ý niệm hôn nhân duy nhất, bất khả phân ly”.
Các cố gắng cải cách nghi thức phụng vụ của Vatican II đã thay đổi hình
thức, lời chào thăm, lời thề hứa trong nghi lễ hôn nhân. Sự thay đổi này
chắc chắn phải nói lên tính cách thánh thiện của hôn nhân dưới ánh sáng
Tin mừng và giáo lý của Giáo hội.
Nghi thức phụng vụ mới cũng đề nghị rằng các phong tục tập quán địa
phương nên được đưa vào trong nghi thức kết hôn. Nghi thức Bó tích hôn
nhân dành cho Hội đồng Giám mục các quốc gia soạn thảo và đệ trình lên
Tòa Thánh để châu phê. Việc sử dụng các hình thức, điệu bộ cử chỉ, lời
nói, bài đọc và âm nhạc không làm mất tính cách tôn giáo của việc cử
hành nghi lễ kết hôn.
Hơn nữa, hai vợ chồng vừa là thừa tác viên vừa là người lãnh nhận Bí tích hôn nhân.
d. Giáo hội trợ giúp sau khi kết hôn: Giáo luật 1073§4 quan tâm tới sự
trợ giúp cho đôi vợ chồng sống trung thành với giáo ước vợ chồng. Giáo
hội trợ giúp đặc biệt đối với các gia đình đang gặp khủng hoảng, hoàn
cảnh éo le… Nhiều gia đình đang gặp khó khăn rắc rối có nguy cơ đi tới
tình trạng hoàn toàn tan vỡ, có thể được giải quyết êm thắm với sự trợ
giúp này có thể được thực hiện qua các hội đạo đức, các cơ quan cố vấn,
lớp giáo lý cho những người đã kết hôn… Ngay cả những gia đình chưa gặp
khó khăn khủng hoảng cũng cần được Giáo hội quann tâm giúp đỡ.
KẾT LUẬN
Khi nói tới luật pháp hay có vấn đề liên quan tới luật pháp, hầu hết mọi
người đều nghĩ ngay tới những gì cấm đoán, trừng phạt, v.v… Nhưng thực
ra luật pháp rất cần thiết và không thể thiếu trong đời sống xã hội,
đồng thời luật pháp cũng bảo vệ và xây dựng đời sống tốt đẹp hơn… Theo
Đức Giáo hoàng Phao-lô VI, giáo luật cần được giảng dạy và áp dụng để
phục vụ Dân Thiên Chúa.
Sách Tham Khảo,
1. Roger Pavalieu: Guide pratique du code de Proit canonique Édition Tardy – 1985
2. The Code of canon Law. A text and commentary.
3. Kasper W. Theology of Marriage: New-York 1980.
4. Codex Juris canonici. Joannis Pauli II. Auctoritate Promulgatus Vatican city: Libreria Edỉtic Vaticana 1983.
5. Código de derecho canonico Madrid 1985 Édición bilingue comentado.
6. Initiation à la Pratique de la Théologie, Tome IV Éthique Cerf 1983.
7. Hiến chế “Gaudium et Spes”, Cộng đồng Vat. II.
8. Bộ Giáo luật 1983, Ấn bản Việt ngữ 1986.
9. Jean-Marie Aubert: Abrégé de la Morale Catholique. La foi vecue. Desclée 1987.
10. Bộ luật Dân sự 1990.
11. Nghị định số 184/CP của Chính phủ ban hành ngày 30-11-1994. Qui định về thủ tục kết hôn, … liên quan tới người nước ngoài.
0 Nhận xét