Đoàn Khắc Xuyên
Cứu người bị kẹt trong sự cố sập hầm ở thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng giữa tháng 12 vừa qua. Ảnh giadinhonline.vn |
(TBKTSG) - Nửa cuối tháng 12, khi trong không gian bắt đầu âm vang
những giai điệu du dương của mùa Giáng sinh hòa cùng thông điệp “Bình an
dưới thế cho người thiện tâm”, khi trên các đường phố đã bắt đầu rậm
rịch không khí mua sắm mùa cuối năm thì hàng triệu con tim người Việt
lại thắc thỏm từng ngày, từng giờ, từng phút với 12 con người bị kẹt
trong đường hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng. Để rồi, khi 12 công nhân
được cứu thoát vào chiều 19-2 sau 82 giờ bị kẹt trong bóng tối dưới
đường hầm bị sập thì niềm vui như vỡ òa trên cả nước. 90 triệu người, 90
triệu con tim như được nối kết, như cùng nhịp đập với 12 sinh mạng quý
giá kia.
Thế nhưng, cũng trong ngày 19-12 đó, vào tối khuya tại xã Thạch Bình,
huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa người dân đã đánh chết tại chỗ hai
thanh niên và đánh trọng thương hai người khác vì bắt trộm chó của dân
làng. Đây không phải là lần đầu tiên những kẻ trộm chó bị người dân phẫn
nộ ra tay đánh chết tại chỗ hoặc chết trên đường đi cấp cứu, nhưng số
lượng kẻ trộm chó bị đánh chết và bị thương lần này nhiều hơn những lần
trước. Tuy nhiên, cái tin khủng khiếp này đã nhanh chóng bị chìm lấp đi
giữa bao nhiêu tin tức thời sự khác, cả trong và ngoài nước. Bởi, qua
rạng sáng 20-12, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắt được Trần Văn
Điểm (27 tuổi, quê Hải Dương), nghi can dùng dao đâm chết anh Trần Minh
Phước, người phát cơm chay từ thiện tại vòng xoay Lê Văn Sung - Phạm
Đình Hổ, TPHCM ngày 10-8-2014, khi Điểm đang lẩn trốn tại TPHCM. Trước
khi bị bắt, chỉ trong vòng một tháng rưỡi Điểm đã kịp lạnh lùng
gây thêm ba vụ giết người, cướp của tại ba tỉnh thành khác nhau: Bà Rịa -
Vũng Tàu, Quảng Ngãi và Hải Phòng.Đã đành những kẻ bị đánh chết và bị thương trong vụ trộm chó ở Thanh Hóa là những kẻ cắp, nhưng vẫn thật khó mà hiểu được vì sao giá trị của mạng người lại khác biệt đến thế giữa hai trường hợp: trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng người ta nhận thức sự quý giá của mạng sống con người cao đến đâu thì trong vụ “hành quyết” tại chỗ hai kẻ trộm chó, mạng sống của con người lại bị coi rẻ bấy nhiêu, cho dù đó là những kẻ cắp.
Nhìn hai cái xác kẻ trộm chó nằm úp trên xe cảnh sát sau khi vụ việc đã xong, người ta không thể không bật ra câu hỏi: vì sao mạng người rẻ mạt đến vậy? Điều gì đã khiến cho cả kẻ trộm chó và người bị trộm coi rẻ mạng mình và mạng người đến vậy? Rẻ mạt trước hết ngay đối với những kẻ trộm chó khi họ bất chấp mạng sống của mình chỉ để đổi lấy một ít tiền bằng giá một con chó đi vào quán nhậu. Và rẻ mạt đối với những người bị mất chó, những người dễ dàng lấy đi một sinh mạng để bù vào khoản tài sản bị thiệt hại mà không cần đến sự phân xử của luật pháp trong khi họ hoàn toàn có thể bắt và giao nộp kẻ trộm chó cho công an, chờ tòa xử. Dù có biện minh cách nào (bức xúc vì mất vật nuôi, vì kẻ trộm nhiều lần ra tay mà không bị trừng phạt...) thì việc tự tiện lấy đi sinh mạng của người khác mà không chờ tiếng nói của công lý cũng là môt việc làm trái pháp luật, trái đạo lý.
Nếu là bạn, được người ta giao nộp kẻ trộm chó của bạn, liệu bạn có đủ can đảm hay sự độc ác để xuống tay lấy đi mạng sống của một con người cho dù người đó có xâm phạm tài sản của bạn (là một con chó)? Nếu không, thật khó chấp nhận đám đông trong cơn kích động lại có thể dễ dàng lấy đi mạng sống của một con người, dù đó là một kẻ cắp. Nếu phải đền tội, những kẻ cắp này sẽ phải đền tội không phải trước tòa án của đám đông phẫn nộ mà trước tòa án công lý, không thể chết vì luật rừng mà phải bị trừng phạt theo đúng pháp luật. Nếu chấp nhận luật rừng, luật rừng sẽ nhanh chóng lan ra như lửa gặp gió và không ai có thể biết được xã hội lúc ấy sẽ hỗn loạn thế nào. Và trong sự hỗn loạn ấy, biết đâu sẽ không chỉ có thêm những kẻ trộm chó bị đánh chết không cần ra tòa xử mà còn có thể có thêm những Trần Văn Điểm khác giết người như ngóe khi mà luật rừng, bạo lực, cái ác đã khuynh đảo cả xã hội.
Chúng ta vẫn thường kêu lên hai tiếng “man rợ” khi nghe tin đâu đó tại một nước châu Á hay Trung Đông đám đông ném đá xử tử hình những kẻ vi phạm luật tục của bộ tộc hay làng xã mà không cần tới tòa án. Những vụ hành quyết tập thể những kẻ trộm chó liệu có khác? Xã hội chúng ta đang ở đâu và đang đi về đâu khi mạng người bị coi rẻ đến vậy? Luật pháp đi đâu khi không thể ngăn người dân tự xử theo luật rừng? Và liệu có cách nào để đảo ngược chiều hướng ngày càng xấu này?
0 Nhận xét